Trang trong tổng số 17 trang (163 bài viết)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Cammy

Em không biêt phải viết tên của topic như thế nào, nhưng có lẽ nên lấy nó là "Hoa" - không có ngòi bút nào tả được đầy đủ vẻ đẹp của những loài hoa! Sự đa dạng, phong phú, mỗi loài hoa có một nét đẹp riêng...

Em đã có ý làm cái này từ lâu lắm rồi! Nhưng cứ lần lữa. Vừa rồi bị tỉ Nguyệt Thu "mắng" vì cái tội cứ hứa mà chẳng làm gì! Em mở Topic này là một công mà nhiều việc: Thứ nhất là post hình Hoa Sưa mà em tìm được, thứ 2 là lời chúc mừng sinh nhật muộn tới tỉ Nguyệt Thu, Thứ 3 là có một nơi để tâm sự về thứ mà em luôn say mê (là hoa đó), thứ 4 là..., thứ 5 là...

Vào tháng 3, Hà Nội không chỉ có hoa Sưa trắng xoá những con phố, khiến ngẩn ngơ bao nhiêu cô gái. Còn có nhiều loài hoa khác nữa mà em chưa kịp nhớ tên... Nhưng hoa Sưa, sẽ là vị khách đầu tiên của chủ đề này. Để mọi người có thể thốt lên: Hoa Sưa của Hà Nội cũng đáng được ca ngợi như hoa Anh Đào của xứ Phù Tang...

Một bài viết em cho là rất hay của một nhà văn, với những bài tản văn và tuỳ bút tuyệt vời về Hà Nội (mọi người đọc và thử đoán xem là ai nhé) viết về Hoa Sưa:


Có nhiều thứ hoa để tỏ tình. Nào tha thiết đắm say hồng nhung, nào nhớ thương vời vợi păng xê, nào tấm lòng quân tử cúc vàng cúc trắng, nào thủy chung trong đồng thảo tím… Có lẽ đã có một đồng cảm dâng đầy không gian khiến đất phải mượn hoa gửi tình cho trời, hoặc trời nhờ hoa trao say mê cho đất…

Mùa xuân đang chín cây, khi tấm man mưa xuân làm vũ trụ thành mông lung hư ảo, khi ta chững bước chân, nôn nao tấc dạ một sớm nào bắt gặp một hàng cây đã bất ngờ trắng muốt tự lúc nào.

Hay là… đêm qua có một chàng lực sĩ miền Bắc cực đã cưỡi con tuần lộc chở cây về nên tuyết còn đầy trên cành to nhánh nhỏ?

Hay là… cái Tết đã đi qua nhưng luyến tiếc hơi người ấm áp nên gửi lại niềm say mê trinh bạch của mình, vì gửi vào hoa lê, hoa mận, hoa mai hoa bưởi mà vẫn chưa thỏa tình nhau?

Mà cũng hay là… những vòm sao còn náu mình trong sâu thẳm vì chưa có hoa gạo dắt lối, đàn đom đóm đưa đường, nên phải gửi nàng sứ giả long lanh ánh trắng của mình cho phồn hoa đô hội, nhắc ai từng quên phút giây thanh thản được hòa mình vào vũ trụ mê tơi?

Hay là nữa… Ôi, ta mê đi trong hoan lạc, trong ngỡ ngàng, trong cái ngơ ngác của kẻ si tình thoáng gặp lại cố nhân vừa xuất hiện sau trùng trùng xa cách và đòi đoạn nhớ thương…

Cây Sưa đấy. Cây Sưa im lặng khuất chìm vào bao màu xanh biếc khác, bây giờ mới tỉnh giấc cô miên, bừng dậy một vòm hoa, một trời hoa trắng ngần, trắng muốt, thanh khiết, nguyên sơ như tấm lòng người con gái ta yêu mà lỡ làng ngay từ thời vụng dại.

Trên cái phố cổ của một Hà Nội nghìn năm đang rộn ràng từ sớm tinh mơ đến khuya đêm sáng rực, nơi có bày hàng vạn đôi giày dép, có hàng vạn đôi trai thanh gái lịch mải mê nào chọn kiểu, nào ướm chân, nào hỏi giá trao tiền… chăm chú vào bàn chân của mình để góp cho Hà Nội yểu điệu dáng đi, khoan thai nhịp bước và có cả quay cuồng bước nhảy trong ánh đèn xanh đỏ… thì trên cao kia, trên những cành cây tưởng như chết lịm vô hồn kia, suốt bao ngày hanh khô đầy bụi bặm phố phường kia, phố Hàng Dầu đấy, đã sáng rực một trời những hồn hoa phách nụ, trong ngần, thanh sạch, tuyết băng, thứ hoa Sưa của kinh thành xưa cũ Thăng Long góp mình vào đông liễu tây hòe còn sót lại địa danh: Hòe Nhai, Liễu Giai.

Sưa ơi, sức mạnh nào cho cây tự biến mình từ khẳng khiu khô nỏ vụng dại thành sức hút còn mạnh hơn cả những ánh mắt cô gái áo trắng tà bay của hào hoa Hà Nội trong chiều hồ lộng gió?

Hoa Sưa trắng rợn người, trắng nổi gai trên da thịt khiến ta tạm khuây những ồn ào tiền bạc ở mặt đường kia, mà tự nhẹ bỗng mình bay lên, tự lan truyền thân ta từ cành la lên cành bổng, từ chùm này sang tán khác, hoa rung rinh cho ta lâng lâng, hoà tan hồn mình vào hồn hoa lãng đãng.
Cây Sưa ấy không có nhiều trên các đường phố Hà Nội chen vai. Ngọn gò xinh xinh trong vườn Bách Thảo, xưa kia, từng có tên Sư Sơn, bởi có nhiều cây Sưa, đến nay cây Sưa phiêu bạt, chia tay với gò, khiến có nhiều người lầm tưởng đó là Núi Nùng hoặc Núi Khán mà Núi Nùng là ở trong Thành, núi Khán ở gần Lăng Bác bây giờ, cả hai đã lụi tàn, không còn dấu vết.

Nay cây Sưa nhiều nhất ở phố Hàng Dầu, nằm lẫn vào khu phố cổ Hàng Thùng, Hàng Sũ, Cầu Gỗ, Hàng Bè, cạnh đền Bà Kiệu bóng đa rủ rợp cùng với tượng đài chiến sĩ Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Ngoài phố Hàng Dầu ra, bên bờ Hồ Gươm, xế cửa nhà Đèn là Sở Điện lực, bên cạnh gốc sung già, cũng có một cây Sưa nhỏ bé cũng đơm đầy một vòm tuyết trắng long lanh. Hẳn nó được ngắm nhìn nhiều hơn lớp đàn chị nó vì có không gian thoáng rộng, giữa xanh trời, xanh cây, xanh cỏ, nên sắc ngần băng tuyết kia càng nổi bật trước mắt người, dù đó là chàng thi sĩ đa tình lơ ngơ hay nhà doanh nghiệp lúc nào cũng hối hả vội vàng vì theo câu ” thì giờ là vàng bạc”.

Phố Phan Chu Trinh, trước cửa đại sứ quán Algérie cũng vút lên một vài hồn Sưa như thế, nhưng lẫn vào chiều cao cây khác, nên Sưa như là tủi phận, rụng trắng mặt đường dưới bánh xe tàn nhẫn.

Hà Nội dưới con mắt du khách là thành phố xinh xắn, trữ tình, bình lặng, êm đềm. Dưới con mắt “làm ăn” thì Hà Nội quá chật hẹp, cần mở rộng xây cho cao thỏa vòng đua tay lái và cửa hàng, khách sạn mọc lên san sát…

Dưới mắt người yêu Hà Nội, thì kinh thành lịch sử nghìn năm vẫn oai hùng và thanh lịch, vẫn tao nhã và hào hoa mà những cây Sưa kia là một chút hồn sót lại, mang sự lẩn khuất nỗi niềm nhắc ta suy ngẫm và giữ gìn bản sắc dân tộc đang có chiều tàn phai, mai một.

Những đỏ rực hoa Phượng đường Thanh Niên, tím ngát Bằng Lăng Thợ Nhuộm, vườn Chí Linh rực rỡ Vàng Anh, Lộc Vừng đỏ trữ tình bên mép nước… là để điểm xuyết vào một Cổng thành Cửa Bắc thêm một Ô Quan Chưởng cổ kính, một Tháp Hòa Phong thâm trầm, một đền Quán Thánh tịch liêu…

Riêng hoa Sưa có lẽ là hồn một cô gái ngàn xưa kết tinh thành bạch ngọc, cứ mỗi độ xuân về lại nhớ tình tang là chàng trai Thăng Long Hà Nội, nên hiện ra mơ hồ thoáng một ít ngày ngắn ngủi rồi lại bay về hư ảo, nói những lời im, bay tà áo mỏng, tung tóc vào trời mưa phấn, phô cái gáy nõn nà mây trắng cho phất phơ đối sợi tóc mềm lả lướt nắng bạc hiếm hoi… để ngơ ngẩn những ai yêu Hà Nôi, yêu đến bứt rứt một kiếp người…

Nhiều người đã ngợi ca hoa Sữa thơm ngát đêm thu. Còn hoa Sưa chút hồn xưa Hà Nội vẫn bị phũ phàng quên lãng một cách hờ hững vô tình trong bụi đời ô nhiễm. Tuy vậy, hoa Sưa vẫn bao dung rộng lượng, xuân theo xuân, mùa theo mùa, cứ về trắng ngát một góc Hà Nội cổ như lời hẹn ước đắm si…
Em ngẩn ngơ ngắm khoảng trời chiều
Khoảng trời yên ả, nét phiêu diêu
Em lơ đãng vẽ anh lên đó
Vẽ cạnh tên anh, một chữ yêu
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Cammy

Hoa nở, các phó nháy thi nhau chụp lại những khoảnh khắc đẹp nhất của một đời hoa! :P

http://i205.photobucket.com/albums/bb139/Cammywhity/Hoa%20Sua/19.jpg

Đắm đuối thả hồn lên bầu trời xanh
http://i205.photobucket.com/albums/bb139/Cammywhity/Hoa%20Sua/18.jpg

Chĩu chịt những viên bạch ngọc của hồn xưa
http://i205.photobucket.com/albums/bb139/Cammywhity/Hoa%20Sua/6.jpg

Hoa lá đua chen
http://i205.photobucket.com/albums/bb139/Cammywhity/Hoa%20Sua/10.jpg

Trên những con đường bận rộn:
http://i205.photobucket.com/albums/bb139/Cammywhity/Hoa%20Sua/4.jpg

Trắng đến nao lòng:
http://i205.photobucket.com/albums/bb139/Cammywhity/Hoa%20Sua/33.jpg

Hoa sưa rụng trên những lối em qua...
http://i205.photobucket.com/albums/bb139/Cammywhity/Hoa%20Sua/14.jpg
Em ngẩn ngơ ngắm khoảng trời chiều
Khoảng trời yên ả, nét phiêu diêu
Em lơ đãng vẽ anh lên đó
Vẽ cạnh tên anh, một chữ yêu
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Cammy

Em dừng lại ở đây thôi! Đến giờ phải đi rồi, không cố dược nữa :D
Em ngẩn ngơ ngắm khoảng trời chiều
Khoảng trời yên ả, nét phiêu diêu
Em lơ đãng vẽ anh lên đó
Vẽ cạnh tên anh, một chữ yêu
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Cammy

À, còn cái này nữa, hôm trước khi em lang thang tìm ảnh hoa Sưa thì đọc được tin này. Có lẽ cũng liên quan đến vấn đề hôm trước anh Điệp nói. Hoá ra gỗ cây sưa còn là một loại gỗ quý nữa. Và để mọi người cùng biết (biết rồi thì đọc kỹ, chưa biết thì biết thêm) những đặc điểm của cây Sưa nữa.

Ngay từ giữa những năm 90 của thế kỷ XX, tình trạng khai thác, buôn bán gỗ sưa trái phép đã diễn ra nhưng chỉ gần đây khi cơ quan chức năng phát hiện hàng lọat vụ án tàng trữ, buôn bán gỗ sưa, thậm chí lâm tặc ngang nhiên "làm thịt" hàng chục cây sưa tại Thủ đô, các cơ quan chức năng mới thật sự giật mình… "Cơn sốt" gỗ sưa đang "nóng" đến mức nhiều gia đình gỡ cả bàn thờ, hoành phi, câu đối... để bán. Có nơi còn hình thành cả đội quân xăm soi các nghĩa địa để săn lùng những tấm áo quan được làm bằng thứ gỗ này.

Những vi phạm nghiêm trọng

Vừa qua, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm C15, Bộ Công an đã khám xét 2 cơ sở kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ của Công ty Đồ gỗ mỹ nghệ Việt Á tại Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, phát hiện hàng chục tấn gỗ sưa không có giấy tờ. Công ty này do hai vợ chồng Dương Việt Thành và Vũ Thị Dung làm chủ.
Còn tại kho gỗ của vợ chồng Lê Văn Thái và Dương Thị Lương ở xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, công an cũng thu giữ được gần 130 khối gỗ sưa, khối nhẹ nhất khoảng 40-50 kg, khối nặng lên đến 300-400 kg. Theo ước tính, tổng trọng lượng gỗ sưa thu được tại cơ sở này khoảng 12-13 tấn. Khi cơ quan công an yêu cầu mở cửa kho để khám xét, Lê Văn Thái đã không chấp hành, buộc lực lượng chức năng phải phá khoá kho gỗ để khám xét.

Tại Hà Nội, Vũ Văn Tuấn, (quê ở Từ Sơn, Bắc Ninh) dám cả  gan "mua" cây sưa ở gò Đống Đa với giá 48 triệu đồng, sau đó cho người đến chặt hạ và bán cho một thương nhân người Trung Quốc với giá 100 triệu đồng. Vụ việc đang được CA quận Đống Đa làm rõ.

Khắp các địa phương trên cả nước người ta lên "cơn sốt" truy tìm gỗ Sưa. Ở xã Ya Chim, thị xã Kon Tum, một số ngôi nhà sàn cổ quý hiếm làm bằng gỗ Sưa, có 20-30 năm tuổi đời, mang đặc trưng Tây Nguyên, đã biến mất. Có gia đình ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), chỉ nhớ mang máng trước đây nhà có một cây gỗ sưa đã chặt nửa thân, thân dưới làm gốc buộc trâu, sau lấp đất lên làm nền nhà. Trước thông tin, mỗi kg bán được bạc triệu đã khiến gia đình này bới tung nền nhà để tìm lại gốc cây. Kết quả của sự vất vả ấy đã mang lại nửa tỉ đồng cho gia chủ. Ở tỉnh Bắc Giang - một nơi có nhiều rừng và cũng là điểm tập trung của nhiều đầu nậu buôn gỗ. Người dân ở đây vẫn truyền nhau câu chuyện một gia đình ở thôn Lâm Trường, huyện Lục Ngạn vừa vui mừng vì bán được chiếc giường cũ với giá 15 triệu cho một "ông già say rượu", bỗng ngã ngửa, khi biết chính "lão say rượu" đó đã bán trao tay chiếc giường cho một lái thương khác với giá gần 200 triệu đồng.

Chuyện cây sưa- xưa như...trái đất

Đại đa số người dân không hiểu hết giá trị của cây sưa cho đến khi báo chí lên tiếng về những vụ chặt hạ cây sưa gần đây. Tuy nhiên, với những người làm công tác bảo vệ thực vật quý hiếm, chuyện cây sưa bị khai thác ồ ạt không có gì lạ. Ngay từ năm 1994, người dân một số tỉnh miền Trung, đặc biệt là Quảng Nam, Quảng Bình đã xôn xao về những phi vụ buôn bán tỷ bạc liên quan đến gỗ sưa.

Tình trạng trên kéo dài đến năm 2001 thì lắng xuống. Đến năm 2004, giá gỗ sưa đẩy lên gần 100 triệu đồng/m3 kéo theo sự bùng phát dữ dội nạn khai thác gỗ sưa trên địa bàn cả nước. Đến khoảng năm 2006, tình hình khai thác trái phép gỗ sưa diễn ra căng thẳng nhất, địa bàn khai thác gỗ sưa từ miền Trung đã lan tới một số tỉnh miền Bắc như Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ... Một điều hiển nhiên trong giới làm đồ gỗ, cây sưa là loại nghiêm cấm khai thác vào mục đích thương mại nhưng các thương lái gỗ thì vẫn ùn ùn chặt hạ gỗ sưa. Báo chí, dư luận và cơ quan chức năng đã chậm chân trước lâm tặc.  Chuyện ở UBND xã Tuân Chính như báo chí vừa nêu có 3 cây sưa khoảng 20 năm tuổi nằm chắn lối đi nên xã quyết định...bán. Con số tiền tỷ do các lái gỗ đưa ra khiến nhiều vị trong UBND xã choáng.
Em ngẩn ngơ ngắm khoảng trời chiều
Khoảng trời yên ả, nét phiêu diêu
Em lơ đãng vẽ anh lên đó
Vẽ cạnh tên anh, một chữ yêu
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Cammy

Èo, bài dài quá nên em phải chia làm đôi! Mà hạn chế bài viết trên TV mình ngắn nhể!

Huê mộc vàng - Những bí ẩn chờ khám phá

Cây sưa, tên khoa học là Dalbergia bouruana gagu thuộc họ đậu, là cây gỗ lớn, thân màu xám, cành non màu xanh có đốm bì khổng màu trắng. Cây sưa còn gọi cây hoàng đàn, huê mộc vàng chỉ có mọc ở Việt Nam và đảo Hải Nam Trung Quốc. Hoa ra tháng 3-4, lá kép hình lông chim có từ 9-15 lá chét hình bầu dục, chót nhọn có 9-10 cặp gân nhỏ, cuống ngắn 3mm. Quả chín thu hoạch tháng 11-12. Sưa là cây ưa sáng, dễ gây trồng, thuộc loài gỗ quý hiếm nhóm 1A. Loài cây này phân bố rộng khắp trên cả nước, trong đó tập trung nhiều nhất là ở Gia Lai. Sưa mọc ở vùng đất ẩm thường xanh (không rụng lá). Sưa cũng mọc hỗn giao với nhiều loài cây khác. Lõi sưa rất cứng, phải trên 10 năm tuổi mới bắt đầu cho lõi. Đây là cây sinh trưởng chậm, một năm chỉ có thể sinh trưởng dưới 0,5 cm đường kính. Hiện nay chỉ duy nhất một thị trường tiêu thụ là Trung Quốc

Giới buôn gỗ còn gọi cây sưa là trắc thối. Có người cho rằng gỗ sưa được người Trung Quốc mua về làm đồ thờ cúng hoặc ướp xác; lại có thông tin mua gỗ sưa về làm dược liệu; làm mực in, làm đồ gia dụng; rồi đồ đạc bằng gỗ sưa giúp gia chủ làm ăn may mắn, tăng thêm tuổi thọ... Chính những thông tin không chính thống này góp phần đẩy gỗ sưa vào "cơn sốt". Không cần biết người Trung Quốc dùng gỗ sưa vào việc gì, cứ thấy giá cao, có lời lớn là các "đầu nậu" đổ xô đi săn tìm, mua, bán... Cũng vì vậy mà đang có hàng trăm câu chuyện thực hư về cây gỗ này. Một trong những giả định được nghe có vẻ hợp lý nhất là, năm 2008, Trung Quốc chuẩn bị cho Thế vận Hội Olympic, đồng nghĩa với việc phải trùng tu nhiều công trình đền đài lăng tẩm, hầu hết được làm từ gỗ sưa. Cho nên mới cần một số lượng gỗ lớn như vậy. Tuy nhiên nhiều luồng tin khác lại cho rằng các đại gia Trung Quốc, Hồng Kông dùng bột gỗ sưa để ướp xác sau khi tạ thế. Bên cạnh đó lại có thông tin, "giới mafia nước ngoài" thu mua gỗ sưa để nghiền thành bột, cô đặc pha trộn với ma tuý theo một tỉ lệ nhất định để tăng lợi nhuận. Đã có không ít người cố gắng tìm kiếm sự thật về gỗ sưa nhưng đều thất bại. Trong khi đó những lời đồn thổi vẫn lan truyền, những hiếu kỳ không được thỏa mãn càng khiến "cơn sốt" săn tìm gỗ sưa thêm nóng bỏng.

Giáo sư Phùng Tửu Bôi - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn tự nhiên và Phát triển cộng đồng thuộc Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam cho biết: đã có một đoàn khảo sát của một viện khoa học chuyên ngành sang tận Trung Quốc tìm hiểu xem phía nước bạn mua loại gỗ này để làm gì. Nhưng phía Trung Quốc họ vẫn giữ bí mật mà chỉ giải thích chung chung là phục vụ vấn đề tâm linh, làm đồ thờ cúng, đồ gia bảo. Tại Trung Quốc những cây sưa nhiều năm tuổi được quấn thép gai bảo vệ rất cẩn thận... Thông tin loại gỗ này được nghiền thành bột để pha trộn với ma tuý là không có cơ sở khoa học và chưa được kiểm chứng. Tuy nhiên vấn đề này đặt ra cho các ngành khoa học cơ bản của ta việc nghiên cứu, phân tích về các ẩn số bên trong để tìm ra giá trị thực của nó, không riêng gì cây sưa mà cả những nguồn tài nguyên khác cũng vậy. Và trong khi, sự thật về gỗ sưa chưa được khám phá, chưa ai hiểu giá trị thực loại gỗ này mà chỉ biết mỗi một "giá trị" là tiền triệu, tiền tỷ thì đó còn là mối họa khôn lường cho tương lai một loài thực vật của Việt Nam.

Hà Nội công bố số lượng cây sưa

Lần đầu tiên bản báo cáo khá chi tiết về số lượng và phân bố những cây sưa đỏ trên toàn địa bàn Hà Nội đã hoàn tất. Danh sách những cây gỗ quý này sẽ được gửi đến chính quyền và công an các địa phương để cùng phối hợp bảo vệ. Theo đánh giá của Công ty Công viên cây xanh Hà Nội, toàn địa bàn thành phố hiện có khoảng 1.400 cây sưa, trong đó có 666 cây sưa đỏ. Nhiều cây sưa đỏ có tuổi thọ lên đến 100 năm, đường kính gốc lên đến 40-50 cm.

Các đường phố thuộc quận Hoàn Kiếm và Cầu Giấy có số cây sưa đỏ nhiều nhất trong số các quận nội thành được điều tra (2 quận cùng có 128 cây sưa đỏ). Tại 24 tuyến phố của quận Hoàn Kiếm có tổng cộng 128 cây sưa đỏ, trong đó phố Trần Quang Khải là nhiều nhất (50 cây). Tiếp đó là các phố Trần Hưng Đạo (14 cây), Ngô Quyền (12 cây), phố Trần Nhật Duật (11 cây). Phố Nguyễn Văn Huyên của quận Cầu Giấy có số cây sưa đỏ nhiều nhất toàn thành phố (82 cây). Phố Xuân Thủy 26 cây, Làng Quốc tế Thăng Long (10 cây). Trên các tuyến phố tại quận Ba Đình có tổng cộng 41 cây sưa đỏ. Trong đó phố Phan Đình Phùng có 15 cây, phố Phan Kế Bính 12 cây...Tại quận Hai Bà Trưng có tổng cộng 31 cây sưa đỏ rải rác trên 15 tuyến phố. Quận Đống Đa có 111 cây sưa đỏ trên 7 tuyến phố và được coi là địa bàn cây sưa đỏ được trồng khá tập trung như: phố Tôn Thất Tùng có 43 cây, phố Đào Duy Anh có 40 cây, phố Trung Tự có 16 cây. Hai quận có số cây sưa đỏ ít là Tây Hồ (18 cây) và đặc biệt là quận Thanh Xuân chỉ có duy nhất 1 cây. Theo báo cáo này, toàn bộ số cây sưa đỏ trên các tuyến phố Hà Nội là 458 cây. Tại công viên Bách Thảo có 40 cây sưa đỏ. Xung quanh hồ Hoàn Kiếm có 30 cây sưa đỏ. Vườn hoa Gia Lâm có 26 cây, vườn hoa Lý Tự Trong 15 cây, công viên Lê Nin có 14 cây...

Trong chỉ thị gần đây gửi các địa phương, Bộ Nông nghiệp - PTNT nhận định: thời gian gần đây, tại hàng loạt địa phương ở miền Trung như Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Bình... tình hình khai thác trái phép gỗ sưa (kể cả gốc, rễ, cành ngọn, các loại mảnh vụn) từ rừng tự nhiên diễn ra rất phức tạp. Tình hình vận chuyển trái phép gỗ sưa diễn ra rất khó kiểm soát. Một số địa phương khác, người dân tự gây trồng được loại gỗ quý hiếm này, khi biết có giá trị cao, đã xin khai thác khi cây còn chưa đủ tuổi khai thác.  Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT yêu cầu Chi cục kiểm lâm các tỉnh, thành trực thuộc trung ương thực hiện ngay việc thống kê về loại cây và diện tích trồng các loại cây thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm 1A để có những biện pháp bảo vệ cấp bách.
Em ngẩn ngơ ngắm khoảng trời chiều
Khoảng trời yên ả, nét phiêu diêu
Em lơ đãng vẽ anh lên đó
Vẽ cạnh tên anh, một chữ yêu
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Cammy

Em ở Cầu Giấy, gần Xuân Thuỷ, gần làng Quốc tế Thăng Long, cũng qua Nguyễn Văn Huyên rất nhiều, ấy thế mà chưa thấy cây nào mới chán chứ! Để khi nào có thời gian đi kiểm tra lại vậy. Theo thống kê này thì anh Điệp không đúng khi nói rằng hầu hết những cây Sưa là ở quận Ba Đình nhé! :P
Em ngẩn ngơ ngắm khoảng trời chiều
Khoảng trời yên ả, nét phiêu diêu
Em lơ đãng vẽ anh lên đó
Vẽ cạnh tên anh, một chữ yêu
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

MaiHoa

Ôi bài viết về hoa sưa hay quá!Mình cũng muốn giới thiệu về một loài hoa của mùa xuân -hoa xoan ta.Hoa xoan không phải là một loài hoa đặc trưng của Hà Nội mà hoa gợi cho ta nhớ tới một miền quê yên ả thanh bình.Hình như hoa xoan bây giờ hiếm lắm, ít nơi trồng , thế mà nơi góc phố nhỏ vốn rất quen thuộc với ta , một sớm mai mở cửa sổ cho nắng tràn vào phòng ta lại thấy như cùng nắng cùng gió có cả mùi hoa xoan thơm ngát.Và ta đã biết mùa xuân đang về, mùa xuân về cùng với cả tiếng hót chim chào mào từng cặp , từng cặp đậu trên cành xoan mà líu lo, mà hân hoan chờ đón...Mình muốn viết nhiều hơn nữa,muốn nói nhiều hơn nữa nhưng hình như mình không đủ lời để mà diễn đạt những gì mình đang cảm nhận.Thôi mượn một đoạn trong "Thương nhớ mười hai"của nhà văn Vũ Bằng vậy mọi người đọc nhé:
Cũng vào khoảng cuối tháng ba, các cây sầu đâu mọc ở các vùng quê Bắc Kỳ đâm hoa và người ta thấy hoa sầu đâu nở như cười. Hoa nhỏ bé, lấm tấm mấy chấm đen, nở từng chùm, đu đưa như đưa võng mỗi khi có gió. Có người cho hoa đó là một thứ hoa không vương giả như hoa đào, phong lan, mai mận…Nhưng các cụ thực biết thưởng hoa lại quả quyết không có một loài hoa nào thơm một cách chân thật, quê mùa như thế. Bây giờ nhắc đến loại hoa này, tôi vẫn còn nhớ in những buổi chiều vàng đi thơ thẩn về miền quê, bỗng lạc bước tới một vùng cát trắng ở Xuân Trường, Hải Hậu, ở Phố Cát, Lương Đường, ở Bình Thuỷ, Mai Động…san sát những căn nhà nhỏ bé xanh um cây cối, trắng xoá tường vôi, mà nhà nào cũng có vài gốc sầu đâu vượt lên như ngạo nghễ khoe với trời cao ngất ngất những chùm bông phơn phớt màu hoa cà êm êm.

Hỡi ơi du khách đa xuân tứ! Tôi đố anh nhìn thấy những cái cây mảnh mai yểu điệu mang từng chùm hoa diễm kiều như thế mà lại không dừng chân đứng lại! Tự nhiên anh thấy tim anh nhoi nhói.

Ở đời thỉnh thoảng ta lại có cảm giác như thế mỗi khi sung sướng quá, mỗi khi yêu nhiều quá. Yêu hoa sầu đâu không để vào đâu cho hết, nhớ hoa sầu đâu ở quê hương ta không biết mấy mươi! Người mắc bệnh lưu lý đã xa cách phần tử mấy chục năm rồi mà lạ thay sao cứ đến tháng ba, nhớ đến sầu đâu mình vẫn cảm như còn thấy thoang thoảng đâu đây một mùi thơm mát mẻ, dịu dàng, mát mẻ còn hơn cả hương cau, mà dịu dàng có khi hơn cả mùi thơm hoa mộc! Mùi thơm huyền diệu đó hoà với mùi của đất ruộng vấy vỡ ra, mùi đậu giã mà người nông phu đi hái về đem về phơi nắng, mùi mạ non lên sớm xanh màu hoa lý và đẹp như những bức tranh lập thể, mùi khoai sắn, mùi rau cần ở các ruộng xâm xấp nước đưa lên … bao nhiêu thứ đó, bấy nhiêu thương yêu…có phải đã có một lúc anh cảm thấy như ngây ngất, như nhức đầu, như say một thứ men gì phải không?

Anh cứ muốn lạc bước đi như thế mãi để uống cái hương thơm của quê hương vào tận tâm can tì phế. Ấy đó, người Việt trầm lặng như thế đó, có cần gì phải tìm những thú vui đắt tiền – mà ví có tiền thật nhiều đi nữa, chắc gì mỗi lúc đã mua được để mà thụ hưởng?"[i/]
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Tuyệt quá! Lần đầu tiên trong đời tỉ được " thấy" hoa sưa. Cây sưa thì có biết trong hai năm trở lại đây, khi báo, đài đưa tin về cơn sốt gỗ sưa. Cũng nhờ đó mà tỉ mới biết gỗ sưa còn gọi là gỗ Huê. Chả trách có một cô bạn ở QB, một hôm ghé nhà tỉ chơi ( cũng 5,6 năm rồi), có hứa sẽ làm cho tỉ một lọ hoa bằng gỗ huê để kỷ niệm nhưng rồi sau đó cô ấy ...bặt vô âm tín! Hoá ra vì sau đó loại gỗ này vụt có giá nên câu chuyện về lọ hoa gỗ Huê kia phải chịu chìm xuồng! Sau đó rất lâu, nghe, đọc về  chuyện quý hiếm, đắt giá của gỗ Huê, tỉ mới vỡ lẽ. Hic!
Cảm ơn Cam về những tấm ảnh đẹp nhé!:)
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Phong Lan

Oài... vừa hình đẹp lại kèm thêm cả văn nữa, chưa có thời gian để đọc nhưng chắc là sẽ hay... lão không ngờ là lại gặp đối thủ như em, cạnh tranh thế này thì lão thua hẳn rồi, từ mai gác máy không đi săn hình nữa... hì...
Có ai còn nhớ kẻ xích lô
Lãng mạng phong lưu thích đưa đò
Tóc bạc râu dài chừ thấm mệt
Nhìn thấy cháu đẹp chẳng dám ho ... he ... he
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Phong Lan

MaiHoa đã viết:
Ôi bài viết về hoa sưa hay quá! Mình cũng muốn giới thiệu về một loài hoa của mùa xuân -hoa xoan ta. Hoa xoan không phải là một loài hoa đặc trưng của Hà Nội mà hoa gợi cho ta nhớ tới một miền quê yên ả thanh bình...

Em nhắc đến hoa xoan làm lão bồi hồi nhớ lại tuổi thơ của lão.
Ngày trước, khi lão còn rất bé, khu vực nhà lão ở có rất nhiều cây xoan. Cứ mùa xuân đến, hoa nở rồi rụng rất nhiều, y như câu thơ của cụ Nguyễn Bính vậy:
"Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy"

Dưới gốc xoan và xung quanh đó không có một thứ cỏ dại nào mọc được, thấy mẹ bảo vì lá xoan đắng quá khi rụng xuống nó làm cho cây xung quanh chết cả.

Lúc nhỏ bọn trẻ tụi lão hay chơi "súng phốp" đây là một thứ đồ chơi tự chế mà bọn lão chẳng thằng nào không có. Để chế tạo súng phải chọn được một đoạn ống tre khoảng 30~40cm rỗng ruột đút vừa một cái đũa. Nếu lấy viên giấy ướt bịt kín hai đầu, rồi dùng đũa đẩy nhanh mạnh một đầu, tạo áp lực sẽ bắn viên giấy đầu kia ra, tạo ra tiếng nổ "đốp" một cái. Bình thường dùng giấy báo nhai thấm nước bọt rồi bắn. Nhưng đến mùa quả xoan, bọn trẻ lại dùng quả xoan xanh để bắn nhau, khá là đau.

Cây xoan to, đường kính gốc khoảng lơn hơn 20cm là người ta chặt xuống để làm cột.

Từ khi bắt đầu đi học xa quê, lão đã không còn được gặp lại cây sầu đông ấy nữa.

Lão không chụp được hình hoa xoan, để tìm trên internet xem sao, hoa xoan có mầu tím nhạt cũng dễ cảm lắm!

Quả xoan hơi giống quả dâu doa, nhưng đố ai dám ăn quả xoan.

Hoa xoan còn có tên là "sầu đông" hay "thù đâu" hay "thầu đâu" hay "sầu đâu"

Có ai còn nhớ kẻ xích lô
Lãng mạng phong lưu thích đưa đò
Tóc bạc râu dài chừ thấm mệt
Nhìn thấy cháu đẹp chẳng dám ho ... he ... he
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 17 trang (163 bài viết)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối