Trang trong tổng số 5 trang (42 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [2] [3] [4] [5]

Ảnh đại diện

Phụng Hà


Giai thoại bà Hồ Xuân Hương



Tiểu sử của bà Hồ Xuân Hương (胡 春 香) đến nay vẫn còn nhiều điểm gây tranh cãi; chưa rõ năm sinh và năm mất, chỉ biết bà sống vào khoảng đầu nhà Nguyễn. Một vài tài liệu ghi bà sinh năm 1782, mất năm 1822.
Dựa vào một số tài liệu lưu truyền, những bài thơ được khẳng định là của Hồ Xuân Hương, các nhà nghiên cứu đã tạm thừa nhận một số kết luận bước đầu về tiểu sử của nữ sĩ.
Theo các nhà nghiên cứu đầu tiên về Hồ Xuân Hương như Nguyễn Hữu Tiến, Dương Quảng Hàm thì bà là con ông Hồ Phi Diễn ở làng Quỳnh Ðôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông thi đậu tú tài năm 24 tuổi dưới triều Lê Bảo Thái. Nhà nghèo không thể tiếp tục học, ông ra dạy học ở vùng Hà Bắc, để kiếm sống. Tại đây ông đã lấy cô gái Bắc Ninh, họ Hà, làm vợ lẽ - Hồ Xuân Hương ra đời là kết quả của mối tình duyên đó.
Ba lấy chồng muộn mà hai lần đi lấy chồng (Tổng Cóc, rồi quan Tri phủ Vĩnh Tường), hai lần đều làm lẽ, cả hai đều ngắn ngủi và không có hạnh phúc.
Có tài liệu ghi rằng trong thời gian ngồi dạy học, bà có người học trò tên
Nguyễn Thị Hinh, đó là nữ sĩ Bà Huyện Thanh Quan về sau.

Các tác phẩm của bà đã bị mất nhiều, đến nay còn lưu truyền chủ yếu là những bài thơ chữ Nôm truyền miệng. Bà đã để lại nhiều bài thơ độc đáo với phong cách thơ vừa thanh vừa tục và được mệnh danh là "Bà chúa thơ Nôm".
Về chữ Hán, bà để lại nhiều tập thơ: Đề vịnh Hạ Long, Đồ Sơn bát vịnh, Hương Đình cổ nguyệt thi tập, Lưu Hương ký.

1/Đọc thơ chữa thẹn

Tục truyền, hồi Xuân Hương còn đi học, một hôm gặp trời mưa, đến sân trường, đất trơn, cô trò gái trượt chân ngã oạch một cái, các đồng môn thấy thế đều cười ầm lên.
Nhưng Hồ Xuân Hương đã đứng dậy ngay, ung dung đọc hai câu thơ quốc âm rằng:

Dang tay với thử trời cao thấp,
Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài.


Rồi cất nón bình thản đi vào. Còn mấy chàng học trò, thấy nàng ứng khẩu chữa thẹn tài tình như thế thì cũng phục, không dám chòng ghẹo gì thêm nữa.

2/Mảnh tình xẻ đôi

Hồ Xuân Hương vốn nổi tiếng tài hoa, lại hay bày ra các cuộc xướng hoạ văn thơ ở trong nhà để làm vui, nên khách khứa thường lui tới nhà bà rất đông. Trong số đó những khách yêu chuộng văn chương mà đến thì cũng có; song hạng khách vô công rỗi nghề vì tò mò mà đến, hoặc vì sĩ diện hão mà đến cũng không phải là hiếm.
Một hôm, có một công tử con quan, học hành thì dốt nát nhưng áo quần lúc nào cũng bảnh bao đến chơi nhà Xuân Hương. Xuân Hương lúc ấy đang bận ở nhà trong, vả cũng đã biết đó là một anh chàng tầm thường không muốn tiếp, bèn cho cô nhài ra mời trầu; cơi trầu có quả cau bổ đôi kèm theo mảnh giấy đề hai câu thơ như sau:

Mảnh tình ví xẻ làm đôi được,
Mảnh để trong nhà, mảnh đệ ra!

Chàng công tử xem thơ xong, chừng liệu sức mình không đối chọi nổi, bỏ cả trầu không dám ăn, lặng lẽ chuồn về luôn.
Nhưng được mấy hôm, không hiểu tiếc rẻ như thế nào, người ta lại thấy chàng công tử ấy dẫn xác đến.
Lần này, Xuân Hương lại sai cô nhài bưng cơi trầu ra mời. Chàng công tử giơ tay định nhót miếng trầu ăn, chẳng ngờ lại thấy có mảnh giấy với bài thơ tứ tuyệt rằng:

Quả cau nho nhỏ, miếng trầu hôi,
Này của Xuân Hương đã quệt rồi.
Có phải duyên nhau thì thắm lại,
Đừng xanh như lá, bạc như vôi!

Chàng công tử đọc đi đọc lại mãi, mà vẫn chẳng hiểu ý tứ thế nào. Sau nghĩ kỷ mấy chữ “Này của Xuân Hương đã quệt rồi” cảm thấy lờ mờ rằng mình bị xỏ, nhưng lại lúng túng mãi chẳng biết đường hoạ.
Thế là lần thứ hai, chàng công tử tốt mã ấy lại đành bỏ trầu, chuồn thẳng.
Nghe đâu, từ đấy cậu cả không còn dám lai vảng tới cửa nhà Xuân Hương nữa.

3/Ấy ái uông

Một hôm, Hồ Xuân Hương đến thăm chùa Địch Lộng ở vùng Ninh Bình. Thấy khắp chùa chỗ nào cũng nhan nhản những thơ đề vịnh, Xuân Hương thú lắm, liền đi dạo xem.
Đang lúc ấy, bỗng có hai người ăn diện bảnh bao, có tiểu đồng theo hầu, bước vào chùa. Họ ngắm cảnh một lát, rồi một người lấy bút đề lên khoảng tường trắng bài thơ rằng:

Thấy tớ thong dong dạo cảnh chùa,
Cầm thư lưng túi, rượu lưng hồ.
Cá khe lắng kệ, đầu ngơ ngác,
Chim núi nghe kinh, cổ gật gù.
Then cửa từ bi chen chật cánh,
Nén hương tế độ cắm đầy lò.
Nam mô khẽ hỏi nhà sư tí,
Phúc đức nhà ngươi được mấy bồ?

Người ấy vừa buông bút, người thứ hai đã vội khen lấy khen để; rồi đón lấy bút nói: “Bây giờ đệ xin phép bác, cũng thử vịnh mấy vần chơi cho vui nhé”. Bài thơ như sau:

Mây tan, mưa tạnh, liễu xanh om,
Qua mái thiền quan ghé mắt dòm.
Ngoài cửa vòng tay hai chú béo,
Trong gian chống gối một anh còm.
Chênh vênh án kệ chuông vàng tía,
Lấp ló bình hương Phật đỏ lòm.
Tới cảnh lấy chi mà vãng cảnh?
Quì hai gối xuống gật xòm xòm!

Bài thơ vừa đề xong, thì người thứ nhất cũng khen lại rối rít. Thế rồi, kẻ trước người sau cứ tâng bốc nhau mãi lên tận trời.
Xuân Hương đứng gần đấy, lấy làm lạ tới coi thử. Nhưng khi đọc thơ xong thì Xuân Hương thấy ngượng cho những ý tứ sỗ sàng trong hai bài thơ, không chịu được liền nhổ toẹt một bãi nước bọt.
Hai người kia bực mình, hỏi Xuân Hương vì sao mà lại nhổ nước bọt. Xuân Hương thủng thẳng đáp: “Tôi thấy lời lẽ trong thơ các vị không xứng đáng là lời của người quân tử!”.
Hai người ra vẻ không bằng lòng nói: “Chị đã có ý chê thơ của chúng tôi như thế, vậy nhà chị thử hoạ một bài như thế nào?”.
Xuân Hương trả lời ngay: “Gì chứ hoạ thơ của hai thầy thì cũng dễ thôi. Chỉ trừ khi có hạn vần thì mới khó hoạ!”
Hai người cũng tỏ vẻ ta đây sành sỏi trong làng thơ, liền nói luôn: “Hạn vần sao lại khó được, chị thử hạn vần rồi chúng tôi hoạ cho mà coi!”
Xuân Hương mới đọc câu:

Lượng cả xin ông chớ hẹp hòi!

Rồi bảo: “Đó, các thầy hoạ đi! Hạn vần “cái gì hòi” thì được, chớ cấm dùng “hẹp hòi”
Hai người ngẩn mặt ra nghĩ mãi, sau có một người phải đọc liều:

Sẽ lại gần đây, tớ thẩm hòi! (1)

(1) Nói lái lại: hỏi thầm.

Rồi họ chống chế cho đỡ thẹn: “Giá chị cho vịnh hẳn một vật thì chúng tôi mới có hứng mà làm".
Xuân Hương đáp: “Thế cũng được! Vậy hãy vịnh thơ “Cái chuông”, mà hạn vần uông ở câu thứ hai”.
Hai người đã trót lỡ lời, đành phải ngồi nặn óc suy nghĩ. Đánh vần đã vã cả mồ hôi trán, mà thơ vẫn chưa ra được câu nào.
Sau, Xuân Hương thấy họ cứ “chuông”, “uông” … mãi, sốt ruột, mới đọc hai câu rằng:

Năm ba thằng ngọng đứng xem chuông,
Nó bảo nhau rằng “ấy ái uông”!

Vừa là làm giúp, mà lại vừa có ý nói móc hai người. Rồi nhân tiện thấy họ cứ làm bộ hay thơ mãi, Xuân Hương ghét mặt, mới đọc dồn luôn cho bốn câu nữa:

Dắt díu đưa nhau đến cửa chiền,
Cũng đòi học nói, nói không nên.
Ai về nhắn bảo phường lòi tói, (2)
Muốn sống đem vôi quét trả đền!


(2) Lòi tói: tiếng cổ, có nghĩa là dốt nát. Phương ngôn có câu “Dốt lòi tói”.
Đọc xong đùng đùng bỏ về thẳng. Để mặc cho hai người kia đứng trơ mắt nhìn nhau, vừa thẹn, vừa tức, vừa phục.

4/Đánh trống qua cửa nhà sấm

Một hôm Hồ Xuân Hương đi thăm chùa Trấn Quốc về, nàng đang lững thững bên bờ hồ Tây, bỗng có mấy thầy khoá bước rảo lên theo sát ở đằng sau. Rồi các thầy giở giọng chớt nhả ra trêu ghẹo nàng. Có thầy lại hứng chí tung văn chương chữ nghĩa ra nữa.
Xuân Hương thấy họ trêu ghẹo thì vẫn lặng thinh không nói gì. Nhưng đến khi nghe cái thứ “thơ thẩn” nửa mùa ấy thì không nhịn được nữa, nàng mới quay lại, đọc dồn cho các thầy một bài thơ rằng:

Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ?
Lại đây cho chị dạy làm thơ.
Ong non ngứa nọc châm hoa rữa,
Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa!

Bấy giờ, các thầy khoá nghe giọng thơ thì biết ngay là đã gặp phải bà chúa Hồ Xuân Hương. Riêng thầy đọc thơ lúc nãy thì thẹn chín người vì đã trót đánh trống qua cửa nhà sấm. Rồi đó, các thầy bấm nhau lui lại, để cho Xuân Hương đi trước.

5/Ham tìm chỗ ấy

Tương truyền một hôm vừa có mấy tao nhân mặc khách đến nhà Hồ Xuân Hương chơi thì trời đổ mưa. Hồ Xuân Hương khi ấy đang ở nhà dưới, vội rảo bước qua sân lên nhà trên tiếp khách. Bởi đi vội nên chẳng may giẫm chân phải hòn gạch gập ghềnh, bùn nước bắn vọt ngay lên. Chắc là bùn vọt lên cao bên trong váy làm Hồ Xuân Hương khó chịu, bất giác lấy tay xoa xoa vào chỗ … bị ướt. Chẳng ngờ cử chỉ của Hồ Xuân Hương lại bị mấy ông khách nhìn thấy. Họ khúc khích vừa cười vừa nói nhỏ gì đó với nhau. Hồ Xuân Hương mặt đỏ bừng ứng khẩu đọc luôn hai câu thơ chữa thẹn như sau:

Nê nính do tri tầm hảo xứ
Mạc tương thố thủ tiếu anh hùng

Tạm dịch:

Bùn nhão còn ham tìm chỗ ấy
Anh hùng tay thọc chớ cười chi.

Câu thơ đã chọc đúng tâm lý cánh mày râu, khiến mấy ông khách chẳng thể trêu chọc gì hơn được nữa. Thế là tất cả đều cười ồ lên vui vẻ…

(Còn tiếp)
**************
Viết theo:

1/ Giai thoại văn học Việt Nam, Kiều Thu Hoạch Nxb Văn học, Hà Nội, 2007
2/ Hồ Xuân Hương, Tác phẩm, thân thế và văn tài, Nguyễn Văn Hanh, Nhà xuất bản Khai Trí, Sài Gòn tái bản, 1968
3/ Trang thơ Hồ Xuân Hương trên Thi viện
4/ Website vi.wikipedia.com
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phụng Hà


Giai thoại bà Hồ Xuân Hương


     (Tiếp theo)

6/Cặc Bần, ghe Phú

  Tục truyền một hôm Hồ Xuân Hương đi qua làng Bần, gặp lúc dân ở đây đang đóng cọc cắm cừ ở ven đê. Bấy giờ có một nho sinh vốn là người quen của Hồ Xuân Hương, đang coi sóc việc hộ đê. Nhân gặp nữ sĩ họ Hồ, lại trông thấy cảnh tượng những cọc tre dập dềnh lảo đảo trên mặt nước, mới đọc bỡn một câu, thách Hồ Xuân Hương đối chơi. Câu đối như sau:

“Sóng vỗ cặc Bần quay lảo đảo”

  Người làng Bần thường nói ngọng, theo thổ âm ở đây “cái cọc” nói là “cái cặc”. Bởi vậy nho sinh ấy mới đọc theo thổ âm cốt để ghẹo Hồ Xuân Hương.      
  Xuân Hương nào phải tay vừa, bà cũng theo thổ âm thổ ngữ xứ Đàng Trong đối lại một câu rằng:
 
“Gió đưa ghe Phú nhẹ bồng tênh”

  Phú tức làng Phú Xuân, huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên (nay là thành phố Huế). Ở đây người ta thường gọi “cái thuyền” là “cái ghe”. Vế ra có Bần nghĩa là “nghèo”, thì vế đối lại có Phú nghĩa là “giàu”. Đối thật hay mà chỉnh. Nho sinh phục tài vô cùng, bèn cố mời Hồ Xuân Hương về nhà khoản đãi cơm rượu rất hậu.  

7/Cuộc đấu thơ nghịch ngợm

  Tương truyền, giữa Xuân Hương với Chiêu Hổ đã xảy ra một cuộc đấu thơ dẳng dai hết sức nghịch ngợm, được dân gian lưu truyền khắp các vùng.
   Có ý kiến cho Chiêu Hổ tức Phạm Đình Hổ (1768 – 1839); nhưng cũng có ý kiến khác, xem Chiêu Hổ chỉ là một nhân vật dân gian. Cả những bài thơ tương truyền do Xuân Hương xướng hoạ với Chiêu Hổ cũng vậy; có những tài liệu lại không chép là Chiêu Hổ, mà chỉ ghi đó là một người con trai, vì Phạm Đình Hổ là người nghiêm trang, khắc khổ, rất ghét thanh sắc, thường tỏ ý không thích thơ nôm (xem Vũ trung tuỳ bút của Phạm Đình Hổ).

  Cuộc đấu thơ khởi đầu, nghe đâu chính từ hai câu thơ của Chiêu Hổ đưa tới ghẹo Xuân Hương:

Người Cổ lại còn đeo thói Nguyệt,
Buồng Xuân chi để lạnh mùi Hương.

  Đó là hai câu thơ chiết tự, trong Hán văn, chữ Cổ ( 古 ) ghép với chữ Nguyệt
(月) là chữ Hồ (胡), chỉ họ của Xuân Hương. Nhưng nghĩa câu thơ lại có ý châm chọc: con người đã cổ xưa, cũ kỹ rồi, mà lại còn có thói trăng gió, trăng hoa, đĩ thoả. Còn câu sau là ghép tên Xuân với Hương. Nhưng cũng có ý xỏ xiên nói nàng là cô gái còn xuân xanh, mà sao lại để phòng lạnh lẽo làm chi?
  Thấy Chiêu Hổ nhiều lần làm thơ cợt ghẹo mình như thế, Xuân Hương đã gửi bài thơ trách mỉa Chiêu Hổ như sau:
 
Những bấy lâu nay luống nhắn nhe
Nhắn nhe toan những sự gầm ghè
Gầm ghè nhưng vẫn còn chưa dám
Chưa dám cho nên phải rụt rè.

  Rõ ràng ý thơ mỉa Chiêu Hổ chỉ được cái mạnh mồm, chứ thực sự thì còn rụt rè lắm. Chiêu Hổ bị chọc tức, không nhịn được, liền có thơ hoạ lại ngay:

Hỡi hỡi cô bay tới bảo nhe
Bảo nhe không được gậy ông ghè
Ông ghè chẳng vỡ ông ghè mãi
Ghè mãi rồi lâu cũng phải rè.


   Có nghĩa là Chiêu Hổ quyết "ghè" mãi cho đến "rè" mới thôi.
  Thơ Chiêu Hổ chỉ là những câu nói bừa, khiến Hồ Xuân Hương đọc xong cũng không nhịn được cười. Lối nói bừa ấy thể hiện ở một bài thơ khác. Số là có lần Xuân Hương ngỏ ý vay Chiêu Hổ năm quan tiền. Chiêu Hổ đã bằng lòng hẹn cho vay. Nhưng lúc đưa tiền thì có ba quan. Xuân Hương bực mình, làm bài thơ trách Chiêu Hổ:
 
Sao nói rằng năm lại có ba
Trách người quân tử hẹn sai ra
Bao giờ thong thả lên chơi Nguyệt
Nhớ hái cho xin nắm lá đa.

  Nguyệt đây là chỉ ngôi nhà “Cổ Nguyệt đường” của Xuân Hương bên Hồ Tây, mà cũng là chỉ cung trăng, nơi theo truyền thuyết dân gian, có thằng Cuội ngồi gốc cây đa ở trên đó. Bởi thế câu dưới, mới hỏi xin Chiêu Hổ nắm lá đa, ý   
bảo Chiêu Hổ nói dối như Cuội.
  Bị coi khinh là thằng Cuội, chàng Hổ tức quá, lại giở ngón nghề nói bừa, hoạ luôn một bài nguyên vận, như sau:

Rằng gián thì năm, quí có ba
Bởi người vụng tính, tính không ra
Ừ rồi thong thả lên chơi Nguyệt
Cho cả cành đa lẫn củ đa.

   Cứ bị coi thường mãi, Xuân Hương không chịu lép, đã vọt lên xưng là “Chị” lại còn đem cái tên Hổ ra mà đánh đồng với cái “chốn ấy”, cái “hang hầm” của bà:
 
Anh đồ tỉnh, anh đồ say
Sao anh ghẹo Nguyệt giữa ban ngày?
Này này, chị bảo cho mà biết:
Chốn ấy hang hầm chớ mó tay.(1)

(1) Hầm: tức hùm, tên khác chỉ con hổ mà cũng ám chỉ tên Chiêu Hổ theo ý xỏ xiên: “Hổ là cái chỗ ấy của chị”.
   Chiêu Hổ cay lắm, nhưng Hổ đâu phải tay vừa, càng cay thì lại càng cùn hơn, Hổ đã có một bài thơ hoạ áp đảo hẳn đối phương:

Này ông tỉnh, này ông say
Này ông ghẹo Nguyệt giữa ban ngày
Hang hùm ví bẵng không ai mó
Sao có hùm con bỗng trốc tay.(1)

(1) Bỗng trốc tay: bỗng bế, bồng trên tay.
   Giọng thơ đúng là giọng say khật khưỡng, không rõ là Xuân Hương không chấp người say, hay là ý thơ có điều gì đó làm bà chạnh lòng. Từ đó, người ta không thấy Xuân Hương xướng hoạ  gì với Chiêu Hổ nữa.
   Cũng có thuyết cho rằng ông phủ Vĩnh Tường mất, bà Hồ Xuân Hương muốn tìm người cũ là Chiêu Hổ, vì dẫu Chiêu Hổ có ở bạc đen với nàng, nhưng nàng cũng mến tài mà nhớ đến luôn. Nhưng Chiêu Hổ là người tầm thường, không hiểu được tấm lòng của Xuân Hương. Thấy Xuân Hương còn vấn vít theo mình, ông bỉ mặt đành đoạn:
Nay đã mần cha thằng xích tử
Rày thì đù mẹ đứa hồng nhan


8/Hỏi anh lái đò

   Trong đạo tình, Xuân Hương đã mấy phen thất bại. Xuân Hương đã phải đôi lần than thở tình đời đen bạc. Người ta đem tình nghĩa, đem văn học để dụ dỗ nàng. Nhưng chỉ trải qua một lần cho biết, rồi thôi. Xuân Hương tức giận hỏi:

 
Chú lái kia ơi, biết chú rồi,
Qua sông rồi lại đấm ngay bòi!
Chèo ghe vừa khỏi dòng sông ngược,
Đấm cọc ngay vào ngấn nước xuôi.
Mới biết lên bờ đà vỗ đít,
Nào khi giữa khúc đã co vòi.
Chuyến đò nên nghĩa sao không nhớ,
Sang nữa hay là một chuyến thôi?


9/Khóc chồng
 
   Nghe người khác khóc chồng, bà nhắn nhe rằng:
 
Văng vẳng tai nghe tiếng khóc chồng
Nín đi kẻo thẹn mấy non sông
Ai về nhắn nhủ đàn em nhé
Xấu máu thì khem miếng đỉnh chung

hoặc:
 
Văng vẳng tai nghe tiếng khóc gì?
Thương chồng nên phải khóc tì ti
Ngọt ngào thiếp nhớ mùi cam thảo
Cay đắng chàng ôi vị quế chi
Thạch nhũ, trần bì sao để lại
Quy thân, liên nhục tẩm đem đi
Dao cầu  thiếp biết trao ai nhỉ
Sinh ký chàng ôi tử tắc quy


    Khi ông Tổng Cóc mất, bà có bài thơ:
 
Chàng Cóc ơi! Chàng Cóc ơi!
Thiếp bén duyên chàng có thế thôi.
Nòng nọc đứt đuôi từ đấy nhé,(1)
Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi!(2)

(1)"Đứt đuôi nòng nọc", thành ngữ chỉ sự cắt đứt hẳn;
(2)Cóc bôi vôi lại về": Bôi vôi để đánh dấu vào cóc, thì cóc đi đâu rồi cũng trở về lại. Nhưng nay duyên vợ chồng đã đứt hẳn. Cóc đi đã đem theo cả dấu vôi, dẫu có nghìn vàng cũng không chuộc lại được vì mất Cóc là mất luôn cả dấu.
      Nhiều người phân tích cho rằng đây là bài thở "rủa" chồng còn sống chứ không phải khóc chồng chết.

   Đến khi ông phủ Vĩnh Tường thì bà khóc thật tình:
 
Trăm năm quan phủ Vĩnh Tường ôi!
Cái nợ phù sinh có thế thôi
Chôn chặt văn chương ba thước đất
Ném tung hồ thỉ bốn phương trời
Nắm xương dưới đất chau mày khóc
Hòn máu trên tay mỉm miệng cười
Đã thế thời thôi cho mát mẻ
Trăm năm quan phủ Vĩnh Tường ôi!


10/Thơ nôm của Hồ  Xuân Hương: chê  và  khen

  Trước năm 1945, đại đa số phái cựu học đồng thanh chê thơ nôm của bà là
"lả lơi", "tục"
  Đây là ý kiến của thi sĩ Tản Đà:
". . .Thơ của Xuân Hương thật là tinh quái; những câu hay đọc lên đến ghê người. Người ta thường có câu: "Thi trung hữu hoạ ", nghĩa là "Trong thơ có vẻ". Như thơ Xuân Hương thì lại là "Thi trung hữu quỉ".Song mà nhận ra thời
tục". . .

   Trong một bài thơ, ông phát biểu nhẹ nhàng hơn:
Ngồi buồn nhớ chị Xuân Hương
Hồn thơ còn hãy như nhường trêu ai
(Giấc mộng con)

  Nhà giáo Dương Quảng Hàm thì phê bình:
". . . Trong suốt tập thơ của nàng,không mấy bài là không có lả lơi, dầu tả cảnh gì, vịnh vật gì cũng vậy. Mà tiếc thay nhời văn thật là chải chuốt, giọng văn thật là êm đềm . ."

   Trong những người biện hộ cho Xuân Hương, có ông Vân Hạc Lê Văn Hoè,
đem "số mạng" mà giải tỏ chuyện nàng.
    Lại có ông Trương Tửu, giải thích:”Xuân Hương bị bệnh thần kinh vì dục tình không được thoả mãn”. .”Xuân Hương bị nỗi u hoài chua chát ám ảnh;đó là sự khát vọng tiềm thức;đó là sự hiện thân của Tội-Gốc”

   Bênh vực Xuân Hương, đặc biệt còn có một vị khuyết danh, tác giả bài ca trù sau đây. Tác giả không đổ tội cho số mạng, cũng không quyết cho Xuân Hương là nhập thân của Tội-Gốc như Trương Tửu. Không cắt nghĩa, không bắt tội, chỉ biết tội nghiệp là đủ. Đây là bài hát nói:
 
Người Cổ Nguyệt, chuyện Xuân Hương còn đó,
Phận hồng nhan nghĩ lại rõ buồn tênh
Thương cho tài mà lại tiếc cho tình
Nông nỗi ấy, kể sao cho xiết!
Người Cổ lại còn đeo thói Nguyệt     
Buồng Xuân sao để lạnh mùi Hương
(1)
Thương mấy ôi, phận bạc vẫn là thường
Dẫu có bạc cũng đành liều với phận
Vì ai để Xuân tình ngơ ngẩn?
Tuổi còn xanh những thơ thẩn vì Xuân
Mười mấy thu đày đoạ kiếp phong trần
Dây tơ mảnh, uẩy kìa ai giở giáo?
Muốn giựt túi ông tơ Nguyệt lão
Tung lên cho đến tít mù xanh
Biết chăng, chẳng biết cũng đành.


(1) Xin nhắc lại, 2 câu này của Chiêu Hổ, xem đoạn 7/ ở trên.

                   ******
   Viết theo:

1/ Giai thoại văn học Việt Nam, Kiều Thu Hoạch  Nxb Văn học, Hà Nội, 2007
2/ Hồ Xuân Hương, Tác phẩm, thân thế và văn tài, Nguyễn Văn Hanh, Nhà xuất bản Khai Trí, Sài Gòn tái bản, 1968
3/ Trang thơ Hồ Xuân Hương trên Thi viện
4/ Website vi.wikipedia.com
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 5 trang (42 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [2] [3] [4] [5]