Lời giới thiệu
Trương Đăng Dung

   Xin đừng hỏi họ là ai, từ đâu đến. Họ là những thi sĩ, công dân của một nước đất không rộng, người không đông. Họ không có may mắn được nói và viết bằng ngôn ngữ phổ cập như người Anh, người Pháp. Tổ quốc họ như một thung lũng nằm dưới trời Âu, giữa bốn bề núi dựng, với dòng Đa nuýp chảy vắt qua như một niềm an ủi. Bao nhiêu ngọn gió đã thổi qua thung lũng đau thương ấy suốt dọc dài lịch sử, đều vẫy gọi họ hãy bay lên cao bằng hồn của một dân tộc thông minh, quả cảm. Bay lên cao, đó cũng là con đường duy nhất để tự khẳng định đối với những Công dân-Thung lũng!
   Xin đừng hỏi họ về quá khứ, tương lại. Cái quá khứ mà đến nỗi đau cũng cũ, vẫn chưa xa, còn tương lai thì đang ở phía trước, ai biết được cái gì sẽ đến. "Quá khứ là hình, tương lai là hương của hiện tại.".Một thi sĩ của họ đã viết như vậy. Thế kỉ XX sắp kết thúc. Một thế kỷ mà trí năng ngày càng tỏ ra bất lực trước đời sống, và mọi sự lí giải về đời sống dường như chống lại đời sống. Thế giới văn minh đang đối diện với nghèo đói, bạo lực, ô nhiễm môi trường và cô đơn tập thể, cùng với sự phân cực nhanh chóng của các hệ thống quyền lực. Như là thi sĩ, họ đang sống trong lo âu, khắc khoải và trong những bâng khuâng, xao xuyến trước sự mất mát và vẻ đẹp muôn thuở của kiếp người ngắn ngủi.
   Xin đừng hỏi họ thơ ca có thể làm được gì trong cái thế giới hiện đại mà con người đang tiếp tục bị lãng quên. Thơ ca có thể nói được nhiều hơn về con người, theo cách của thơ. Không phải chỉ có tiểu thuyết mới cần phải khám phá những khía cạnh mới, phức tạp hơn, bí ẩn hơn của đời sống. Nhưng cũng không phải chỉ có tiểu thuyết đang đứng trước nguy cơ bất lực trong việc khám phá cái bản thể của tồn tại đã bị tư duy giáo điều và hệ thống các quy ước đầy tính thực dụng của thời hiện đại bỏ quên, mà ngay cả thơ hiện đại cũng đang ở trong tình trạng đó. Và các nhà thơ hiểu rằng nếu loài người không tìm ra chìa khoá đích thực mở đường cho tiến bộ xã hội, nếu thơ không nói được điều gì mới mẻ hơn về con người, thì bản thân đời sống hiện đại, về một phương diện nào đó, vẫn chỉ là sự kéo dài của những giá trị thời Trung cổ, trong những hình thức mới của nó mà thôi.
   Xin hãy đọc họ,những nhà thơ Hungary hiện đại, những người con của một dân tộc đã sinh ra Petofi Sandor, Kossuth Lajos,... Họ chỉ là số ít trong đội ngũ đông đảo những nhà thơ Hungary đã làm nên diện mạo của một trong những nền thơ lớn của Thế giới.
                                         Hà Nội, ngày 12/9/1998


Em như thế nào... (Juhász Gyula - Hungary)
Trương Đăng Dung dịch

Tóc em vàng ra sao, anh không còn biết nữa
Nhưng anh biết màu vàng đồng lúa
Khi lúa trĩu bông nặng hạt gọi mùa sang
Anh lại thấy em trong màu lúa chín vàng.

Mắt em xanh ra sao, anh không còn biết nữa
Khi thu đến và bầu trời rộng mở
Tháng chín, bên người mệt mỏi tiễn đưa
Da diết màu mắt em anh lại nhớ.

Tiếng em êm ái ra sao, anh không còn biết nữa
Khi mùa xuân đến và đồng cỏ thở
Anh nghe tiếng em ấm áp vọng về
Từ một mùa xuân xa như bầu trời lặng lẽ.

Tình ca (trích) (jozsef Attila - Hungary)
Trương Đăng Dung dịch

1.
Anh ngồi đây trên bờ đá sáng
Ngọn gió nhẹ của mùa hè tuổi trẻ
Như hơi nóng cơm chiều bay sang.

Anh quen để trái tim mình im lặng
Cho những gì dĩ vãng trở về đây,
Phút hồi tưởng đầu anh cúi xuống
Và nhẹ nhàng buông rũ bàn tay...

2.
Ôi yêu em biết bao nhiêu
Trái tim sâu lắng bao điều, em ơi
Xấu xa, cô độc giữa đời
Với em cởi mở mọi lời trước sau.

Em như dòng nước trắng phau
Chảy từ anh, tự lòng sâu thác gầm
Nước đi, đi mãi âm thầm
Thác anh gào thét ầm vang đất trời,
Nước đi, đi đến muôn nơi
Yêu em, anh đứng giữa đời gọi em.

3.
Anh yêu em như con yêu mẹ
Như hầm tối yêu chiều sâu lặng lẽ,
Anh yêu em như căn phòng yêu ánh sáng
Như cơ thể người thích yên lặng, nghỉ ngơi,
Anh yêu em như cơ thể con người
Yêu sự sống suốt đời vì cuộc sống.

Anh giữ mãi nụ cười em, với hình với bóng
Như đất giữ những gì rơi rụng,
Trong kí ức anh tất cả vẫn còn
Như a-xít ăn mòn vào kim loại,
Em yêu quý, thân hình em đẹp mãi
Em ở đâu tất cả đấy phai mờ.

Những giây phút trôi qua có lặng lẽ bao giờ
Em ở lại trong lòng anh yên lặng,
Những ngôi sao sáng bừng rồi cũng lặn
Em vẫn sáng ngời trong mắt anh
Hơi thở em trên môi anh mãi mãi mát lành
Như hơi nước trong hang giành giữ lại
Bàn tay em những nét đường mềm mại
Vẫn còn đây trên cốc nước em cầm.

4.
Ô, anh là gì trong những phút giây
ánh mắt em làm cho rõ nét?
Tâm hồn nào và ánh sáng nào đây
Sao ngây ngất, mơ màng không rõ rệt.

Anh vào cõi hư vô vào chiều sâu sắc đẹp
Của cơ thể em êm ái khôn cùng,
như động từ vào trong nghĩa mở
anh bước vào khám phá cõi mông lung...

Mạch máu em như những bông hồng
Khẽ lay động vô hồi êm ả
để mang đi vĩnh viễn men nồng
Tình yêu mở trên sắc hồng của má
Anh trao em mùa quả ngày mai...


Mẹ tôi, bông hồng đen (Csoori Sándor - Hungary)
Trương Đăng Dung dịch

Mẹ tôi bị đau đầu
người không uống cà phê,
mẹ tôi bị đau đầu
nhưng người không uống thuốc:
mẹ tôi người tái nhợt
lặng im vắt sữa bò,
mẹ tôi người tái nhợt
lặng im quét lá khô.

Trước người dưng thô lỗ
mẹ tôi vì hoảng sợ
lắp bắp chẳng lên lời,
mẹ chít khăn màu tối
như buộc nỗi cô đơn:
đừng ai làm mẹ buồn
đừng ai làm mẹ sợ!

Mẹ tôi bước trên đường
mà chẳng về đâu cả,
Ôi trán người vất vả
Ngôi sao đầy vết thương
một bông tử đinh hương
khẽ rơi vào vai mẹ
hoa rơi mà như thể
nỗi đoạ đầy toả hương.

Mùa hè giữa đất trời
rộn ràng bao tiếng nhạc,
nhưng giữa đời sa mạc
mẹ lặng im lụi tàn.
Những cỗ máy gầm lên
gió đưa bao chuyện lạ
nhưng không ai chạy đến
"tôi tới để giúp bà!"

Mẹ tôi bị đau đầu
người đau cả Hư vô,
bông hồng đen khốn khổ
còn đâu nữa sắc màu.
Một đêm mẹ gục xuống
sức kiệt, người bé ti
một con chim bay đến
dùng mỏ đưa mẹ đi.


Thiếu một điều gì (Váci Mihály - Hungary)
Trương Đăng Dung dịch

Ngày của chúng ta gào rít và nóng bỏng
- có điều gì ta đã lãng quên.
Ta lam lũ hết lòng vì việc thiện
- có điều gì ta đã lãng quên trong mỗi việc làm.
Ta hiến dâng suốt đời cho tình yêu say đắm
- có điều gì ta đã lãng quên trong từng cái hôn.
Bởi thiếu một điều gì trong từng vòng ôm
- tất cả mọi cái hôn đều thiếu một điều gì.
Ta uổng công tạo ra hay giành giật hàng ngày
- tất cả mọi tình yêu đều thiếu một điều gì.
Ta uổng công đấm đá suốt đời cho hạnh phúc
- thì hạnh phúc vẫn thiếu một điều gì.
Anh có thể no say đến nghẹt thở bằng những đam mê
- thì cuộc đời anh vẫn thiếu một điều gì.
Anh uổng công khao khát sự hoàn thiện của con người
- bởi trong con người thiếu một điều gì.
Anh uổng công hy vọng ở Đấng cứu tinh
- bởi trong Đấng cứu tinh thiếu một điều gì.
Trong vũ trụ thiếu một ngôi sao
- trong vũ trụ thiếu một điều gì.
Thế giới này thiếu thế giới của ta
- thế giới này thiếu một điều gì.
Trên vòm trời thiếu một tia nắng
- từ chúng ta thiếu một điều gì.
Trái đất này thiếu một tấc đất
- dưới chân ta thiếu một điều gì.
Thế mà lời hứa tự ngàn xưa:
"Lúc nào đó, ở đâu đây có cái gì sẽ đến!"
Những kẻ thông minh đã làm chúng ta tin,
- từ khi sinh ra ta chỉ nghe, giờ mới hiểu:
Ở khắp nơi đang thiếu một điều gì.
- nhiệm vụ của chúng ta là hãy tìm, hãy nghĩ
điều không ai được phép bỏ qua
Cần làm lại từ đầu tất cả
- bắt đầu lại trong từng lời nói
bắt đầu lại trong từng vòng ôm
- Tất cả mọi tình yêu phải làm lại từ đầu.
Bắt đầu lại từng tác phẩm, từng cuộc đời yêu dấu,
bàn tay ta hãy chìa ra cho tất cả mọi người.
Bắt đầu lại mọi điều trên thế giới
- và tạo ra cái đang thiếu khắp nơi
nhưng lại có trong tất cả mọi người
nó đang hát giữa lòng ta khẩn thiết
và lại làm ta tin:
Có điều gì sẽ đến
và một lúc nào đó, ở đâu đây.

Mười bài thơ một câu (Weores Sándor - Hungary)
Trương Đăng Dung dịch
I.
Bụi vội vàng, đá rỗi rãi.

II.
Gieo thịt, gặt xương.

III.
Hình hài nỗi nhớ là cái bóng.

IV.
Quá khứ là hình, tương lai là hương của hiện tại.

V.
Kẻ dối trá luôn rình người trung thực.

VI.
Anh chỉ là cái khung của chính mình.

VII.
Chúa trên người anh là nước mắt không vơi.

VIII.
Chúa trong anh là nụ cười vô tận.

IX.
Kẻ điên xét đoán anh bằng đầu của hắn.

X.
Người thông thái xét đoán anh bằng đầu của anh.


Những người gặp tôi (Weores Sándor - Hungary)
Trương Đăng Dung dịch

Tôi tìm mục đích của đời tôi
mục đích tìm tôi rồi sẽ gặp.

Tôi tìm niềm tin của đời tôi
niềm tin tìm tôi rồi sẽ gặp.

Tôi tìm trái tim tôi
trái tim tìm tôi rồi sẽ gặp.

Tôi tìm người yêu tôi
người yêu tìm tôi rồi sẽ gặp.

Tôi tìm chính bản thân tôi
người duy nhất không bao giờ gặp.


Gửi người câm (Weores Sándor - Hungary)
Trương Đăng Dung dịch

Lưỡi anh lặng im như cửa sổ trước ánh sáng của ngày qua
Nhưng mắt anh nói như khung cửa trống nói về kính vỡ.
Với tấm lụa mỏng ngôn từ
Chúng tôi gói những điều mong muốn, riêng tư
Nhưng khát vọng của anh
Không được bọc trong ngôn từ êm ái
Anh trần trụi giữa chúng tôi, rên rỉ vì cái ăn, rú lên vì gái.
Với anh, chúng tôi là những kẻ dối lừa
Dù chúng tôi nói thật lòng chăng nữa.
Và người ta quí những điều chúng tôi nói dối
Còn hơn cả sự chân thành anh có, than ôi!
Tôi đang nhìn anh, anh có thấy
Chỉ có anh lạ nhất trên đời,
Nhưng nếu anh cứ bám vào tôi
Tôi sẽ bảo: Anh đi đi, người xa lạ
Không có gì liên kết chúng ta!

Nhưng rồi đây
Anh sẽ lại là người cùng cảnh ngộ
Khi chúng tôi trắng tay
Cùng anh trước cái chết, lặng im và run rẩy.

Các mâu thuẫn (Weores Sándor - Hungary)
Trương Đăng Dung dịch

Cái đang có là cái có
Cái không có là cái không có,
Cái đang có là cái không có
Cái không có là cái có.

Cái đang có luôn luôn thay đổi
Cái không có luôn luôn là nó
Cái không có luôn luôn thay đổi
Cái đang có luôn luôn là nó.

Cái bất động không chuyển động
Cái bất ổn không nghỉ ngơi
Cái bất động cũng chuyển động
Cái bất ổn cũng nghỉ ngơi.

Người đang sống, sống giữa cuộc đời
Người đã chết, không bao giờ sống nữa,
Người đang sống, sống trong khi chết
Người đã chết, không bao giờ chết nữa.

Nếu không hiểu, anh hãy chú ý hơn
Nếu đã hiểu, hãy lặng im đi tiếp
Nếu đã hiểu, anh đừng chú ý
Nếu không hiểu, cứ bỏ đấy mà đi.

Cán cân (Vihar Bela - Hungary)
Trương Đăng Dung dịch

Thế kỷ Mười chín:  Là chàng trai tự tin
                  người biết được câu trả lời hữu hiệu
                  cho hết thẩy mọi điều.
Thế kỷ Hai mươi :  Người đàn ông trưởng thành
                  nghĩ suy và trăn trở,
                  đang cố sức bên vực thẳm bấp bênh
                  giữa khẳng định và phủ định.
Thế kỷ Mười chín:  Là mùa xuân rạo rực của trí tuệ
                  với vườn hoa của những ảo vọng
                  cùng với những khẩu đại bác bắn nhanh.
Thế kỷ Hai mươi :  Là mùa hè của trí tuệ,
                  trong những trái chín nóng bỏng
                  đều có vị ngọt của sự sinh sôi
                  và độ ẩm huỷ hoại muôn đời.
                  Là thời kỳ của bệnh ung thư và cô đơn tập thể
                  thời của hơi đốt và ô nhiễm môi sinh,
                  khi con người lo chạy ăn từng bữa
                  và quyết tâm chinh phục các hành tinh.
Thế kỷ Mười chín: Tôi sinh ra từ quyển sách.
Thế kỷ Hai mười : Tôi sinh ra từ nước mắt.
Thế kỷ Mười chín: Thế giới là tôi.
Thế kỷ Hai mươi : Tôi không phải là thế giới.
Thế kỷ Mười chín: Tôi tha lỗi cho những ai
                 đồng ý kiến với mình.
Thế kỷ Hai mươi : Hãy tha lỗi cho tôi.

Ngày lại ngày (Bejamin Laszlo)
Trương Đăng Dung dịch

Ngày lại ngày, năm tới năm đi
Thời gian cho được gì
Thời gian lấy lại,
Anh chỉ còn những đồ vật cũ
và những tấm hình loang lổ một thời trai.

Ngày lại ngày
Bạn bè anh quần tụ dưới đất dày
những làn môi tím tái
những bàn tay thôi tìm nhau run rẩy
nhắc cho anh
những tháng ngày còn lại.

Anh đã hiểu nỗi nhục nhã và sự tuyệt vời
khi được sống,
Anh đã say mê lao động
cho thắng lợi và cho thất bại của đời anh.

Thôi anh đừng trốn giữa những bức tường xanh
lật từng trang kỉ niệm
tiếng khóc chào đời anh hoài công tìm kiếm
dù gió vẫn xưa và nắng chẳng tàn phai.

Những tháng ngày còn lại
anh hết khả năng hoà hợp với chính mình:
Thôi hãy đi nằm với lòng yên tĩnh
để trái tim thanh thản đón ngày mai.           

Một mình với biển (Ady Endre - Hungary)
Trương Đăng Dung dịch

Bờ biển, hoàng hôn, căn phòng khách sạn nhỏ
Nàng đã ra đi, tôi không còn được thấy
Nàng đã ra đi, tôi không còn được thấy.

Một bông hoa trên ghế nàng bỏ lại,
Tôi ôm chiếc ghế cũ sờn
Tôi ôm chiếc ghế cũ sờn.

Mùi nước hoa phảng phất như hôn
Biển gầm réo, biển mừng vui
Biển gầm réo, biển mừng vui.

Ngọn hải đăng lấp lánh xa xôi
Đến đi em, biển đang ca hát
Đến đi em, biển đang ca hát.

Tôi lắng nghe biển hoang dại hát
Và tôi mơ trên ghế cũ sờn
Và tôi mơ trên ghế cũ sờn.

Nơi đây ngả vào lòng tôi nàng đã ôm hôn,
Biển đang hát và hát cùng dĩ vãng
Biển đang hát và hát cùng dĩ vãng.

Chuyện kể về bông hoa ( Somlyo Gyorgy - Hungary)
Trương Đăng Dung dịch

Tôi đi lại trong phòng rồi ngồi trên ghế cạnh chiếc bàn lật từng trang sách. Tôi hút thuốc, uống một ngụm rượu và tìm lời tìm chữ...

Bông mẫu đơn màu hồng đứng bất động trong lọ hoa. Lấy áo khoác, ra khỏi nhà, tôi chạy theo công việc vẫn tưởng là của mình. Tôi trở lại nhà...
    
Bông mẫu đơn vẫn đứng đó, hướng về tôi và nhìn bằng đầu cánh hoa to.

Hoa chăm chú nhìn tôi không biết chán, cánh xoè ra như mắt mở to, như một cái loa, như cửa sổ lớn của nhà thờ Đức Bà...

Tôi phải biểu hiện mình như thế nào đây?

Bông mẫu đơn không muốn biểu hiện mình, hoa đồng nhất với chính nó mà không cần gì thêm nữa. Hoa đẹp là bởi vậy.

Hết thẩy đều nhạy cảm. Nếu tôi đi ngang qua, những bước chân nhẹ nhàng cũng đủ làm các cánh hoa rùng mình hốt hoảng.
 
Có phải tôi khát khao cuộc đời cây cỏ? Có phải tôi khát khao niềm an ủi của vô thức cỏ cây chứ không phải của con người?

Không. Chính tôi phải hồn nhiên được như bông hoa ấy!

Tôi không muốn trở thành bông hoa, tôi chỉ muốn làm người được như bông hoa vẫn làm hoa.

Bông mẫu đơn màu hồng...

Tạp chí Văn học nước ngoài, số 5, năm 1998