Giấc ngủ vừa chợp qua
Nắng đã về trước cửa
Đêm ngắn: phút gần nhau
Ngày dài như nỗi nhớ
Nước sôi ngầu bọt thau
Luộc mình con cá nhỏ
Con cua chín vàng mai
Ẩn vào trong cụm lúa
Cỏ dại không người che
Rã rời mang sắc úa...

Nhưng hãy nghe hãy nghe
Trên những cành phượng đỏ
Trong những đầm sen mở
Hương tháng năm lan xa
Mầu tháng năm rực rỡ
Tơ trời giăng ngoài sân
Cây bàng xoè trước ngõ
Đêm xanh vời trăng sao
Con ve vàng lột vỏ
Con chim tha rác về
Tháng năm - mùa sinh nở

Tình yêu như tháng năm
Mang gió nồng nắng lửa
Anh hãy là đầm sen
Anh hãy là phượng đỏ


10-5-1967

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (2 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Đâu là nguyên bản hai câu kết ?

Trong "Xuân Quỳnh cuộc đời và tác phẩm" Nhà xuất bản Phụ nữ tháng 12/2003, do hai cô Lưu Khánh Thơ và Đông Mai tuyển chọn, mình đọc thấy hai câu kết khác với bài đăng ở đây:
Tình yêu như tháng năm
Mang gió nồng nắng lửa
Lòng anh là đầm sen
Hay là nhành cỏ úa?
Theo cô Khánh Thơ thì cô biên soạn theo bản gốc mà cô đang giữ, thế thì bản đăng ở đây phải chăng là dị bản?

34.33
Trả lời
Ảnh đại diện

Về nguyên bản hai câu cuối

Mình xin trích một đoạn trong link dưới đây có liên quan đến hai câu kết của bài thơ này:

"Tình yêu như tháng năm
Mang gió nồng nắng lửa
Lòng anh là đầm sen
Hay là nhành cỏ úa

Mang dáng dấp một câu hỏi song lời thơ cho thấy sự hoài nghi bẩm sinh ở Xuân Quỳnh, cái hoài nghi mà cũng là điều khao khát, thúc giục người yêu, hãy vượt lên hoàn cảnh, hãy đến với nhau bất chấp khó khăn trở ngại. Bây giờ nhìn lại, chả ai thấy có chuyện gì. Nhưng Hoa dại chiến hào được biên tập để đưa in vào những năm chiến tranh. Nói chung bấy giờ lòng tin cần hơn sự hoài nghi. Cứ cái gì vượt ra khỏi lối nói thông thường là các biên tập viên ngại! Bởi thế, trong một tuỳ bút, khi Nguyễn Tuân viết rằng trời vẫn xanh một màu xanh nghi ngại, có người tỏ ý không bằng lòng và cụ Nguyễn phải sửa thành trời vẫn xanh một màu xanh cảnh giác thì bài tuỳ bút mới được in. Cũng bởi thế trong tập Bếp lửa, hai câu thơ sau đây của Bằng Việt cũng bị đặt dấu hỏi:

Bao nhiêu cơn mơ kỳ lạ trên đời
Nay còn lại những cơn mơ hữu ích

Thế nào là cơn mơ hữu ích? Mung lung và dễ hiểu sai quá! Liền bị chữa thành: những cơn mở tươi đẹp. May thay, Bằng Việt kịp phát hiện ra, và yêu cầu cứ để chữ hữu ích như cũ.

Trong Hoa dọc chiến hào, bản in 1968, mấy câu cuối bài Tháng năm như sau:

Tình yêu như tháng năm
Mang gió nồng nắng lửa
Anh hãy là đầm sen
Anh hãy là phượng đỏ

Do tác giả trực tiếp chữa nên cũng không đến nỗi. Nhưng cái ý hoài nghi thì mất hẳn. Mãi đến khi in trong Sân ga chiều em đi, Xuân Quỳnh mới lấy lại được hai câu ban đầu đã viết."

http://my.opera.com/haibi/blog/show.dml/2526125

35.00
Trả lời