Ôi Thăng-Long cách trở bấy nhiêu ngày!
Nhớ về Ngươi thuở nào khuây?
Biển sâu gầm mãi gió
Trời dài nặng những mây...
Tình sâu nặng như trời kia biển nọ
Ta ngồi thức trắng đêm nay...
Nghe sác lịm hồn hoa ủ dột
Lắng hồn rung sác bướm hao gầy
Ba chiều hoảng hốt,
Không gian nào đây?
Nắng chói chan hề mưa đột ngột
Lửa nắng xuân hề như đốt
Lưới mưa thu hề như vây...
Ôi Thăng-Long cách trở bấy nhiêu ngày,
Mơ về Ngươi thuở nào khuây?

Trắng đêm mơ nửa giấc quan san này:
Con đường xưa hiu hắt
Phố phường xưa máu rây
Tiếng vọng mồ hoang loãng bước giầy.
Có ai gọi ta kia mà hồi thanh vội tắt?
Sóng hồ dâng ánh mắt
Cửa-Ô xòe ngón tay...
Nhưng năm cửa sao mà vắng ngắt?
Mà rưng rưng hồ Kiếm hồ Tây?
Phương về nắng gắt
Nẻo đi mưa lầy…
Ôi Thăng-Long cách trở bấy nhiêu ngày!
Thương về Ngươi thuở nào khuây?

Ta thương nhớ, ta mơ về chốn cũ,
Nơi một thuở xa xôi nào kết tụ
Chim lành phơi phới màu mây
Hoa Thiên-Lý nở thơm đài Tự-Chủ
Điềm lên đẹp cánh Rồng bay
Khúc dân ca nhuần thấm mọi nương cày.
Sao Khuê xuống, tâm linh ngàn cửa ngỏ;
Văn Đài dựng đó;
Rồng lên sao xuống là đây!
Chín trăm năm hoài vọng một phương này.
Ta chẳng tiếc lâu đài xe ngựa;
Riêng ánh mắt Đài-Khuê mờ ngục lửa
Cũng khơi nguồn lệ ứa...
Còn đêm nào nữa?
Thôi rồi, đã trắng đêm nay!
Ôi Thăng-Long cách trở bấy nhiêu ngày!
Hồn thi nhân thuở nào khuây?

Ý vọng ca dao hề nghiêng đổ nhịp chầy
Ngàn sương khói tỏa hề nỗi nhớ hương gây
Cầu son Hồ-Kiếm
Gương nước Hồ-Tây...
Nơi người gái Châu-Phong từng quyết chiến
Để ngàn thu hiệu lệnh gió còn say
Nơi một giấc mơ xanh bừng thực hiện
Trai Non-Lam trình diện cố đô này
Bể dâu ai xóa ai bày?
Ai rằng vương nghiệp lung lay?
Ta thành kính ngược thời gian hoài niệm
Về một cành thoa một bắp cày...
Trông vời hỏa ngục giờ đây:
Hàng mi liễu đôi phương bờ lửa xém
Nghe vàng chẩy vực Hồ-Trâu, nước Mỏ-Đồng sôi ánh kiếm
Là máu sôi thành lệ chẩy đêm nay
Là xôn xao lửa bốc dựng đôi mày...
Ôi Thăng-Long cách trở bấy nhiêu ngày!
Lòng dân Việt thuở nào khuây?

Thuở nào khuây được? Hỡi Thăng-Long!
Đã khép ba chiều nghẹn núi sông...
Thì mở một chiều riêng để tới;
Con đường xanh biếc ý rừng phong.