1.
Đoàn quân Việt Nam đi
Chung lòng cứu quốc
Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa
Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước,
Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca.
Đường vinh quang xây xác quân thù,
Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu.
Vì nhân dân chiến đấu không ngừng,
Tiến mau ra sa trường,
Tiến lên, cùng tiến lên.
Nước non Việt Nam ta vững bền.

2.
Đoàn quân Việt Nam đi
Sao vàng phấp phới
Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than
Cùng chung sức phấn đấu xây đời mới,
Đứng đều lên gông xích ta đập tan.
Từ bao lâu ta nuốt căm hờn,
Quyết hy sinh đời ta tươi thắm hơn.
Vì nhân dân chiến đấu không ngừng,
Tiến mau ra sa trường,
Tiến lên, cùng tiến lên.
Nước non Việt Nam ta vững bền.


10-1944

Bài ca này được sử dụng làm quốc ca của Việt Nam, thông qua tại Quốc hội khoá I năm 1945, cùng lúc thông qua Quốc kỳ. Trước đó, bài hát đã được coi là bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh. Mùa đông năm 1944, Văn Cao gặp Vũ Quý, một cán bộ Việt Minh, ở ga Hàng Cỏ. Vũ Quý là người từng quen biết Văn Cao và đã động viên ông viết những bài hát yêu nước như Đống Đa, Thăng Long hành khúc ca... Vũ Quý đề nghị Văn Cao thoát ly hoạt động cách mạng, và nhiệm vụ đầu tiên là sáng tác một bài hành khúc cho đội quân Việt Minh. Văn Cao viết bài hát này trong nhiều ngày tại căn gác số 45 Nguyễn Thượng Hiền.

Về ca khúc, Văn Cao nói rằng, tên bài hát và lời ca của nó là một sự tiếp tục từ ca khúc Thăng Long hành khúc ca trước đó: “Cùng tiến bước về phương Thăng Long thành cao đứng” và bài Đống Đa: “Tiến quân hành khúc ca, thét vang rừng núi xa”... Và ông đã rút lại những ca từ trong bài hát đó thành Tiến quân ca. Phần ca từ trong bài hát ở thời điểm mới ra đời có nhiều khác biệt so với sau này, câu đầu ban đầu là “Đoàn quân Việt Minh đi”, câu thứ 6 của bài hát ở phiên bản đầu là “Thề phanh thây uống máu quân thù” thể hiện sự căm phẫn, đau đớn của Văn Cao trước sự tàn bạo của thực dân Pháp và trước nạn đói đang xảy ra, về sau được nhiều người góp ý, tác giả đã sửa. Câu kết “Tiến lên! Cùng thét lên! Chí trai là nơi đây ước nguyền!” được Văn Cao sửa thành “(...) Núi sông Việt Nam ta vững bền”, nhưng đến khi xuất bản thành Quốc ca, ai đó đã sửa thành “(...) Nước non Việt Nam ta vững bền”, việc này, theo Văn Cao, “Với một ca khúc đòi hỏi trang nghiêm, chữ nước non hát lên bị yếu. Chữ núi sông hát khoẻ và hùng tráng.”

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]