Khi bước vào tuổi thanh niên thì gia đình Thâm Tâm lâm vào cảnh khó khăn. Từ Hải Dương, gia đình chuyển lên Hà Nội sinh sống. Thâm Tâm làm đủ nghề: đóng sách cho nhà in Mai Lĩnh, rồi vẽ cả tranh “Bờ Hồ” bán rất chạy ở cửa các trại lính Tây – mong kiếm thêm thu nhập cho kinh tế gia đình. Dường như sự thúc ép khó khăn của đời sống không ngăn nổi tình cảm mơ mộng, dạt dào của tuổi trẻ. Cùng với khả năng hội hoạ, Thâm Tâm bắt đầu viết. Bài thơ đầu tiên ông chỉ rụt rè gửi cho tờ Tiểu thuyết ba xu với bút danh Trăm Năm. Đây là một bài thơ tình phảng phất nỗi buồn man mác nhưng cũng báo hiệu nhiều nét tài hoa của một thi sĩ tương lai. Bài thơ đăng xong, một điều bất ngờ đén với tác giả, ông chủ nhiệm Trường Xuân đến nhà tìm ông. Gặp tác giả, ông không thể ngờ một người ít tuổi với vóc dáng thư sinh, nhỏ bé lại có thể viết được những dòng thơ tài hoa ấy. Sau bài thơ được đăng cùng buổi gặp gỡ với ông chủ nhiệm, Thâm Tâm bỏ qua những mặc cảm rụt rè, ông trở nên phấn khích. Từ đây ông mạnh dạn viết, đặc biệt là viết nhiều truyện ngắn thường xuyên cho Tiểu thuyết thứ bảy. Kể lại cho tôi nghe xuất xứ bài thơ đầu tiên Đây cảnh cũ, đâu người xưa của Thâm Tâm. Bà Oanh, chị nhà thơ còn nhớ “khi viết bài thơ này cậu ấy viết trên chiếc bàn mọt ở phố Thái Phiên ngày nay”. Cũng nói thêm với bạn đọc, bài thơ này được ghi lại cũng từ lời kể của bà Oanh. Bà vẫn nhớ như in bài thơ từ lần đầu được đọc trên báo. Cũng chẳng biết sau bài thơ này Thâm Tâm còn lấy bút danh Trăm Năm nữa không và người còn gái có tên Trinh được nhắc tới là ai?


Phương Thảo

(Trích từ Tiền phong, in lại trong Thâm Tâm và T.T.Kh.)

Nguồn: Thâm Tâm, cuộc đời ngắn, tiếng thơ dài, Hoài Việt biên soạn, NXB Trẻ, 2003
tửu tận tình do tại