槐街

柳陌花衢人盡佳,
風流全佔獨槐街。
嬌然百媚誇春態,
宛轉新聲惱客懷。
花妒朱顏燈下落,
鶯和砧響檻前推。
尋常未放千金笑,
直到王孫帶酒來。

 

Hoè Nhai

Liễu mạch hoa cù nhân tận giai,
Phong lưu toàn chiếm độc Hoè Nhai.
Kiều nhiên bách mị khoa xuân thái
Uyển chuyển tân thanh não khách hoài.
Hoa đố chu nhan đăng hạ lạc,
Oanh hoà châm hưởng hạm tiền thôi.
Tầm thường vị phóng thiên kim tiếu!
Trực đáo vương tôn đới tửu lai.


Hoè Nhai có nghĩa là Đường Hoè, tức là con đường mà hai bên vệ trồng rặt một loài cây hoè. Con đường này dẫn từ bến Đông Bộ Đầu (nay là chỗ dốc Hàng Than) vào phía bắc Hoàng Thành. Thời Lê nơi này mang tên phường Hoè Nhai, có nhiều ca nữ hát với nhịp phách cung đàn, là một chốn phong lưu của kinh thành Thăng Long thời đó. Đời Nguyễn đổi tên là phường Giai Cảnh (tương ứng với địa bàn các phố Hoè Nhai, Hàng Than, Nguyễn Trường Tộ... hiện nay).

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (2 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Bản dịch của Ngô Văn Phú

Bờ liễu, đường hoa, ai cũng đẹp,
Phong lưu bậc nhất, phố Hoè Nhai.
Yêu kiều trăm vẻ phô xuân sắc,
Uyển chuyển thanh âm não dạ người.
Hoa rụng trước đèn ghen má phấn,
Oanh ca phách điểm rộn hiên ngoài.
Mua cười ai bỏ nghìn vàng nhỉ!
Chờ rượu vương tôn chở tới đây...

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Lục tìm thơ xưa, gặp bài của Ninh Tốn viết về một đường phố khá nổi tiếng xưa

Chốn Kinh đô xưa, nơi tụ hội ăn chơi thường trồng hoè và trồng liễu. Liễu và hoè, tán xanh, lại có hoa nhỏ, khi đi qua, gặp làn gió, hoa rụng bay bay... Các vương tôn, công tử qua lại các ca lâu tửu quán ở đây thường tấp nập.

Ninh Tốn, một ông nghè quê ở Ninh Bình, từng làm quan cho nhà Lê Trung Hưng và nhà Tây Sơn ở Thăng Long lâu hẳn biết kỹ nơi này.

Sách cũ chép: Phố Hoè Nhai xưa thuộc tổng Yên Thành, Vĩnh Thuận, thành Thăng Long cũ. Con đường Hoè này được mở từ hoàng thành ra tới Đông Bộ Đầu, một nơi thuyền bè lui tới, buôn bán tấp nập, hàng quán cũng nhiều. Đầu đời Lý, khoảng những năm 1010 đến 1025, nhà vua có lệ, các quan trong triều mỗi người phải trồng một cây hoè, do đó mới có tên Hoè Nhai - đường Hoè - Hoè Nhai còn được đặt cho tên một làng ở đó. Căn cứ vào bài thơ Hoè Nhai của Ninh Tốn thì thời ấy, chỗ này là chỗ lui tới của những người quyền quý và có tiền.

Chỉ riêng câu “Bờ liễu, đường hoa, nhìn ai cũng đẹp” cũng đủ thấy những người đến đây không phải là những người thường. Hẳn là xe ngựa dập dìu, mặc toàn đồ gấm vóc... Và nơi đây, là chốn ăn chơi vào bậc nhất ở kinh thành. Chữ phong lưu xưa thường để chỉ cho những người hào hoa, phong nhã, giàu có. Người đẹp yêu kiều cũng trăm vẻ, mà tiếng đàn sáo ở ca lâu luôn rộn ràng làm mê đắm bao người. Lời thơ rất thanh tao khi nói đến người và cảnh nơi này:

Hoa rụng trước đèn ghen má phấn,
Oanh ca phách điểm rộn hiên ngoài.
Hai câu tả người, tả cảnh rất tao nhã, nhưng thực ra là tả một con phố hưởng thụ của những người thượng lưu.

Hai câu kết:
Mua cười ai bỏ nghìn vàng nhỉ!
Chờ rượu vương tôn chở tới đây.
để nhấn thêm sự xa hoa của phố Hoè...

Thơ Ninh Tốn trầm tĩnh, lạnh lùng. Đọc qua cứ tưởng tác giả ngợi ca một con phố giàu có, nhộn nhịp những vương tôn, công tử và người đẹp, nhưng đọc kỹ, thực ra là ngầm trách cái lối ăn chơi đàng điếm một thời.

Phố Hoè Nhai hiện nay vẫn còn dài gần bốn trăm mét, chạy từ phố Yên Phụ đến tận phố Phan Đình Phùng. Những cây hoè không còn nữa... Chỉ là một phố ngang nhỏ, nhưng từng đã là một con đường của những người “quý phái” ngày xưa...


Ngô Văn Phú

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời