Cảm xúc thơ bắt đầu từ một cái nhìn ngỡ ngàng, sửng sốt về một sức sống bền dai tươi tốt lạ lùng. Sức sống một loài hoa cỏ. Loài cỏ may vốn chỉ nẩy nở ở cánh đồng. Vậy mà như theo bước người “phiêu bạt sáu tầng mây” cỏ vẫn đơm hoa trên sân thượng nơi thành phố. Như một cuộc rượt đuổi, một ám ảnh không thể dứt. Như một định mệnh của tình yêu, của số phận kẻ nhà quê.

Nhà quê - một khái niệm vừa bao la, vừa trừu tượng vừa cụ thể xương máu. Những hình bóng người thân, cảnh vật thiên nhiên... sẽ mãi theo bước người tha phương dựng một cõi nhớ da diết vô cùng. Cái cõi nhớ mang riêng một hệ thời gian và nó luôn trong tình trạng mở cửa dẫn bước người trở về. Một mảnh trăng, màu khói, hay một miếng ăn ngon... tất thẩy như đã thành chất gây men gây nghiện. Thời gian nỗi nhớ thương càng lùi xa càng thêm cộng hưởng. “Ngẩng đầu nhìn trăng sáng / Cúi đầu nhớ cố hương...” (Lý Bạch) hay “Anh đi anh nhớ quê nhà / Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương” (Á Nam Trần Tuấn Khải). Và ở thơ Nguyễn Trọng Tạo, hình ảnh mang bóng dáng quê nhà đó là “cỏ may khâu áo làng quê”.

Nỗi nhớ thời gian là cảm xúc chủ đạo chi phối thơ Nguyễn Trọng Tạo qua các tập thơ ông cho in gần đây. Như Đồng dao cho người lớn, Nương thân, Thế giới không còn trăng... Bài thơ Cỏ may trên sân thượng rút từ tập Thế giới không còn trăng tiêu biểu cho hướng cảm xúc này. Và nỗi nhớ thời gian ở bài thơ này còn nằm sâu, rất sâu trong một vết thương tình yêu: Trái tim rạn vỡ vẫn chưa vá lành. Bởi vậy “cỏ may” xuất hiện mang trong nó cả hình bóng quê nhà với chức năng “khâu vá” cho vết thương: Tìm ta khâu vá cho lành nhớ thương. Mang ý niệm cao quý đó, tư tưởng thơ mới tạo nên một biểu cảm: Cỏ may! Ta cúi xuống chào cỏ may. Ấy là cái “cúi chào” cả hình bóng quê nhà mà cỏ may là một cưu mang, một khả thể duy nhất đưa lại hình bóng quê nhà trong tâm cảnh đó. Và cũng qua đây cho hay, từ con mắt nhân sinh quan ấy một thế giới mang sức ôm trùm thời gian (nỗi nhớ) trượt sang không gian (cảnh sống): Ngang trời hoa cỏ đẫm sương / Loanh quanh sân thượng mà thương cánh đồng... là một tổng thể bao quát mà ẩn ức, cô lẻ. Chữ “ngang trời” đặt bên chữ “loanh quanh” thể hiện ý niệm tinh thần ấy. Đại từ nhân xưng Ta và hình ảnh “sáu tầng mây”, “ngang trời” hoạ nên vị thế cao sáng đấy, tuy vậy nó vẫn không thể làm giảm thiểu và nó cũng không hề có ý định giấu diếm đi một thân phận, một nỗi buồn cô vắng, cô thôn nơi phố thị: Người như con tốt sang sông / Chìm trong phố thị còn trông quê nhà... Ấy là tấm chân dung chân thực của một phận người mang ký ức tình yêu với chốn làng quê như định mệnh và như một thực tại sống.

Cỏ may trên sân thượng: Tình buồn mà cảnh đẹp. Ý nhẹ thoát, chữ giản dị. Với yếu tố cấu thành bút pháp ấy, bài thơ đã dựng nên một cõi nhớ riêng. Và đấy cũng là cõi quê nhà muôn thuở của những hồn thi nhân xưa nay vậy.