(trích)

Chốn sơn xá ngồi chơi hóng mát,
Gió đưa mai thơm ngát ngoài hiên;
Bên mình mấy quyển thanh biên.
Suy trong cuộc thế, ngẫm trên cơ trời.
Trước hiên bỗng có người lên tiếng,
Chân bước vô mà miệng thở than:
Rằng: “Nay thế biến đa đoan.
Khó khăn riêng một giang sơn nước mình.
Khắp Nam Bắc xem hình trăm họ,
Ai là không nhăn nhó kém tươi?...
Khách than chủ lại buồn cười.
Đã đành sự thế kêu ai buổi này!
Hãy bớt giận ngồi đây chốc lát,
Thử nghe ta bàn bạc ít lời:
Tứ dân ai cũng lạc loài,
Đã hay cái kiếp con người đời nay.
Nhưng hãy hỏi trước đây mấy độ,
Nước Nam ta vẫn khó hay giàu?
Khách rằng:“Khéo nói những câu,
“Xưa nay chữ “phú” đến đâu nước mình!”.
Rằng “Chết nỗi sao anh chưa tỏ.
Nước Nam ta nào có kém ai?
Bốn nghìn dặm đất giăng dài.
Bức tranh riêng một phía trời treo lên.
Dưới Cao Miên, trên liền Trung Quốc,
Sau Tiêm La, mặt trước Đông Dương;
Thổ nghi vật sản sẵn sàng
Trên non dưới bể mọi đường thiếu chi.
Kể lợi lớn: bể thì cá muối
Lại san hô, đại mại, trân châu;
Núi thời trầm, quế thiếu đâu,
Sến, lim, tranh, nứa, dang, nâu, vang, luồng.
Rừng một dải, chim muông chen chúc.
Đủ lông công, nhung lộc ngà voi;
Sừng tê chân gấu mọi loài,
Có nơi hương xạ, có nơi yến sào.
Các thứ mỏ kể sao cho xiết:
Vàng, bạc, đồng, kẽm, thiết, sắt, chì
Dầu trong, than chắc thiếu chi
Chu sa, bạch thạch nữa thì thuỷ ngân.
Lại trông xuống dưới dân trồng trọt,
Khắp bốn phương xanh tốt rườm rà;
Đồng bằng như chiếu giải ra
Nào là lúa thóc, nào là bông gai.
Đất ta rộng mà người không mấy,
Cửa ăn tiêu vẫn thấy dồi dào;
Cho nên trong cõi Nam giao
Xưa nay nào thấy người nào đi xa.
Chẳng phải bước đi ra một bước
Mà dân ta vẫn đươc phong lưu;
Kể hơn các nước toàn cầu,
Non xa bể thẳm đâu đâu cũng tìm.
Bởi đất chật người thêm ra mãi,
Nên phải đi tìm lối doanh sinh.
...


Bài này từng được dùng làm tài liệu giảng dạy về kinh tế cho học viên trường Đông Kinh nghĩa thục.