Châu Hương Viên là chốn hưu đình mà thầy tôi đã tọa lạc tại đó, ở về phường Tây Thượng. Từ làng Tây Thượng đi lên phía ngã phố là giáp với làng Vỹ Dạ, đi xuống ngã Thuận An thì giáp với làng Nam Phổ, quê hương của món đặc sản rất Huế là món bánh canh.

Bánh canh chỉ là món ăn bình dân, nhưng có cái lạ là không có nơi nào bắt chước được để nấu ăn ngon như người làng Nam Phổ.

Hàng ngày cứ khoảng 12 giờ đến 3 giờ chiều thì những hàng bánh canh bắt đầu gánh lên từ phía Nam Phổ, đi lên ngã phố Huế. Mấy chị bán bánh canh thường mặc áo dài và gánh đi bán dạo. Tôi còn nhớ không biết bao nhiêu lần, hễ nhà có khách làng thơ hay bà con tới thăm là thầy tôi chuyện trò quên cả giờ giấc. Nên chi, đến bữa ăn trưa, thầy tôi thường giữ khách lại và sai người nhà ra ngõ đón một gánh bánh canh đưa vào nhà. Thế là chủ khách ngồi vây quanh gánh bánh canh.

Chị bán hàng tươi cười vừa mở nắp nồi ra, khói bay thơm phức. Sợi bánh canh lớn gấp mấy lần sợi bún, làm bằng loại bột gạo lọc, trắng như tuyết; ở trên mặt rải một lớp nhụy tôm cua và ớt đỏ như son, trông rất là bắt mắt.

Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba thường nói rằng: "Hầu cơm cụ Thúc Giạ thì món ăn nào, dẫu đạm bạc đến bao nhiêu cũng trở thành cao lương mỹ vị. Vì dùng tới món nào cụ cũng bảo rằng 'tuyệt trong thế gian' và đương nhiên món bánh canh Nam Phổ lại càng 'tuyệt trong thế gian' hơn".

Trước khi mời khách thưởng thức món bánh canh "tuyệt trong thế gian" này, thầy tôi thường bảo tôi khoanh tay lại đứng bên cạnh chị bán bánh canh hò câu hò do Người đặt ra để ca tụng món ăn đặc biệt của xứ Huế. Những người khách rất lấy làm ngạc nhiên và vô cùng thú vị. Còn chị hàng bánh canh một tay cầm cái tô, một tay cầm vá để múc bánh, nhưng bàn tay chị bỗng khựng lại, sững sờ nhìn tôi, ngẩn ngơ và say sưa nghe tôi cất tiếng hát.

...

Khi tạp chí Kiến thức ngày nay ra, có một người miền Nam cầm tờ báo đem đến nhà hàng Phú Xuân ở đường Đinh Tiên Hoàng nói rằng: "Ở Huế có món ăn gì mà cụ Ưng Bình tả ngon như vầy, ở đây có bán không?". Chủ nhà hàng Phú Xuân rất lấy làm vui và trả lời cho biết không có bán. Tuy nhiên bà chủ Hoàng Anh hứa sẽ nấu mời khách và hẹn ngày khách đến dùng thử. Khách vui vẻ cám ơn và y hẹn ngày trở lại. Sau khi thưởng thức món bánh canh Nam Phổ, khách còn nhờ nhà hàng nấu thêm mấy lần mời bạn bè.


Tôn Nữ Hỷ Khương
(Trích Hồi ức về cha tôi: Ưng Bình Thúc Giạ Thị, 1996)
Bán đi những thứ dãi dầu
Mua về những thứ rặt mầu nhà quê