Những điều cần hiểu lại về thi sĩ Nguyễn Bính
23/01/2013 - 10:59

Biên Phòng - Trước năm 1986, giới trẻ ít người biết đến nhà thơ Nguyễn Bính. Trên văn đàn lúc bấy giờ, người ta chỉ đăng những bài thơ ca ngợi, cổ vũ cho sản xuất và chiến đấu, mà những bài thơ hay nhất của Nguyễn Bính không phải là những bài thơ nằm trong chủ đề này. Chỉ có những người sinh cùng thời với ông, đã từng đọc những bài thơ ông viết những năm 30 và 40 của thế kỷ trước, trong lòng họ luôn luôn mến mộ Nguyễn Bính! Nhắc đến tên ông, họ thường nói ngay: “Nguyễn Bính – thi nhân tiền chiến”.
Đầu năm 1986, tròn 20 năm Ngày Nguyễn Bính mất, để tưởng nhớ ông, Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam Ninh hợp tác cùng Nhà xuất bản Văn học, cho ra cuốn “Tuyển tập Nguyễn Bính”. Cuốn sách này giới thiệu những tác phẩm tiêu biểu của ông từ khi ông sáng tác đến khi ông mất. Đặc biệt là những bài thơ Nguyễn Bính sáng tác trước năm 1945 đã nhanh chóng được nhiều bạn đọc chú ý. Từ đó, các nhà xuất bản thi nhau cho in “Thơ tình Nguyễn Bính”, “Giai thoại Nguyễn Bính”, “Hồi ký về Nguyễn Bính”... Dù sách đó ở thể loại nào, hễ cứ nói về Nguyễn Bính là bán rất chạy, gây ra một hiện tượng Nguyễn Bính những năm sau đó. Và rồi người ta hiểu ra rằng, ông vua thơ tình thực sự trong lòng độc giả từ lâu chính là Nguyễn Bính (cùng năm 1986 xuất bản 40.500 cuốn Tuyển tập Nguyễn Bính, 50.000 bản Thơ Nguyễn Bính; năm 1987, Sở Văn hoá Thông tin Hà Nam Ninh lại cho in 50.000 bản Thơ tình Nguyễn Bính, 50.000 bản Cây đàn tỳ bà. Liên tiếp mấy năm liền Nhà xuất bản Giáo dục đều cho in Thơ Nguyễn Bính, tập Chân quê đã tái bản đến lần thứ ba, không kể thơ tình Nguyễn Bính loại sách bỏ túi và hàng chục cuốn sách của các nhà xuất bản khác dưới dạng này, dạng khác).

Ngay từ lần xuất bản đầu năm 1986, cuốn “Tuyển tập Nguyễn Bính” đã cho in hai bài: “Lời giới thiệu” (của Tô Hoài) và “Lời bạt” (của Chu Văn) có nhiều thông tin rất giá trị và lý thú. Sau này, nhiều tác giả đã lấy những thông tin ở hai bài này làm “nguyên liệu” để “xào đi nấu lại” mà người đọc vẫn thấy ấn tượng. Nhưng rất tiếc, ngay phần tiểu sử lại ghi rằng: “Nguyễn Bính (thủa nhỏ tên là Nguyễn Trọng Bính, xuất hiện trên văn đàn với bút danh Nguyễn Bính, thời ở Nam Bộ, để tránh sự lôi thôi của chính quyền thực dân Pháp, đã sửa giấy căn cước thành Nguyễn Bính Thuyết), sinh năm 1918 (khoảng cuối xuân đầu hạ năm Mậu Ngọ)...”. Có lẽ để kịp ra mắt tập sách này vào đầu năm 1986 nên những người biên tập đã không khảo cứu kỹ được, để rồi không ghi được ngày sinh tháng đẻ của Nguyễn Bính và nói về tên ông có điểm cũng chưa đúng, làm cho sau này có nhiều thông tin sai lệch.

Thực ra Nguyễn Bính sinh vào ngày 13-2-1918, tức mồng ba Tết năm Mậu Ngọ, ông là con của nhà Nho Nguyễn Đạo Bình, mẹ ông là bà Bùi Thị Miện, em gái của một nhà Nho lớn thời đó là ông Bùi Trình Khiêm thì họ không thể quên ngày sinh tháng đẻ của ông được, hơn thế nữa, họ còn làm cho ông một lá số tử vi mà sau này, người ta nói lá số đó rất đúng.

Nguyễn Bính, tên thật là Nguyễn Trọng Bính, khi làm thơ, ông lấy bút danh là Nguyễn Bính. Theo hồi ký của bà Nguyễn Lục Hà (người vợ đầu của ông), cái tên Nguyễn Bính Thuyết là do bạn bè gọi trêu, còn Nguyễn Bính chưa bao giờ sử dụng cái tên này. Một trong những bài thơ hay nhất của ông, bài Lỡ bước sang ngang cũng có nhiều thông tin sai lệch, hoặc chưa thật sự đúng.

Xin được hiểu lại thế này: Chị Trúc, khá đẹp và có tâm hồn thơ mộng, tên thật là Lê Thị N Th. Chị đã có chồng là ông chủ một hiệu ảnh ở đường Hà Đông - Hà Nội (nay là đường Thanh Xuân). Gia đình chị không có hạnh phúc, luôn mâu thuẫn, rất khổ tâm. Sau chị yêu Nguyễn Mạnh Phác, anh trai Nguyễn Bính. Đọc Lỡ bước sang ngang nhiều người thắc mắc: Một cô gái mười bảy tuổi đi lấy chồng, không thấy nói gì ép gả, không thấy nói không có tình yêu, vậy mà sao đoạn đầu tả ngày cưới buồn thế?

...Chuyến này chị bước sang ngang

Là tan vỡ giấc mộng vàng từ đây...

Cũng là thôi cũng là đành

Sang sông lỡ bước riêng mình chị đâu?

Nguyễn Mạnh Phác, khi viết kịch lấy bút danh là Trúc Đường (do khi sinh, mẹ ông đang làm đồng không kịp về nhà, đã đẻ rơi ông bên khóm trúc bên đường). Nghệ sĩ Trúc Đường và chị Th quyết tâm lấy nhau, hai người đã thuê nhà ở riêng:

...Chị từ dan díu với tình

Đời tươi như buổi bình minh nạm vàng.

Tim ai khắc một chữ Nàng

Mà tim chị một chữ Chàng khắc theo...

Nhưng rồi sau mối tình không thành:

Đã đành máu trở về tim

Nhưng không buộc nổi cánh chim giang hồ

Người đi xây dựng cơ đồ

Chị về giồng cỏ nấm mồ thanh xuân

Người đi khoác áo phong trần

Chị về may áo liệm dần nhớ thương...

Theo phong tục ở vùng quê Nam Định thời đó, gái có chồng thì người ta phải gọi theo tên chồng. Mối tình của chị Th và Trúc Đường tuy không thành, nhưng Nguyễn Bính vẫn luôn coi chị Lê Thị N Th như là chị dâu của mình, nên ông luôn gọi chị là “chị Trúc”. Cảm động vì mối tình đau khổ dở dang, Nguyễn Bính đã làm một bài thơ dài 110 câu chính là để kỷ niệm 110 ngày anh chị mình đã gắn bó trong tình yêu hạnh phúc. Biết được câu chuyện này, bây giờ, bạn đọc có thể hiểu khá rõ ràng từng câu chữ trong bài thơ Lỡ bước sang ngang.

Một bài thơ nữa của Nguyễn Bính có nhiều điều rất lý thú, nhưng cũng bị hiểu sai, đó là: Bài thơ vần rẫy (gửi người chị dưới mái trăng non). Bài viết nhan đề Nhà thơ Nguyễn Bính: Người cài đặt nhiều “mật mã” trong thơ, của tác giả Tường Duy, đăng trên báo “Công an nhân dân” có đoạn:

“Nữ sĩ Mộng Tuyết, trong hồi ký “Dưới mái trăng non” có nhắc tới chuyện tình của Nguyễn Bính với “một người con gái quê” có tên là Ngọc. Bà kể, một buổi chiều, cô gái này đã trao cho bà một mảnh giấy nhàu nát, nội dung là “xin một cây bút máy tốt và chiếc đồng hồ đeo tay”. Cuối tờ giấy là dòng chữ “Người yêu Ngọc” (mà bà gọi là “Bính ký ẩn danh”) và hai câu thơ của Nguyễn Bính: “Than ôi, không có giá liên thành/ Để đổi cho tròn viên ngọc ấy”. Cùng là người làm thơ, chẳng khó khăn gì mà nữ sĩ Mộng Tuyết không nhận ra tâm sự của Nguyễn Bính với người con gái tên Ngọc trong câu thơ có nhắc tới chữ “ngọc” ấy.”

Viết như vậy là tác giả Tường Duy đã nhầm người vợ thứ hai của Nguyễn Bính là bà Mai Thị Mới với người Nguyễn Bính thầm yêu là cô cháu gái của nữ sĩ Mộng Tuyết có tên là Tú Ngọc. Bài thơ có đoạn tả người cháu gái này như sau:

...Chị có cô cháu tuổi mười bảy

Tóc dài chấm gót má hồng tươi

Mi vòng cánh cung mắt đen láy...

Trong tập hồi ký “Dưới mái trăng non” của nữ sĩ Mộng Tuyết có mục “Để nhớ Nguyễn Bính những ngày ghé bến Hà Tiên” có nói đến cô cháu gái Tú Ngọc, đọc truyện Tam Quốc cho bà nghe và Nguyễn Bính cũng vào nghe ké. Và còn có đoạn viết khi nữ sĩ Mộng Tuyết may cho Nguyễn Bính bộ quần áo bằng lụa Hà Đông, Nguyễn Bính rất thích. Một hôm, Bính lật bên trong lá đính vạt trước mà khoe với tôi: “Đố chị mấy chữ này là nghĩa gì?”. Tôi cầm vạt áo lên nhìn thấy bốn chữ “KHẢ THUỶ SƠN NHƠN” thêu Hán tự. Tôi không đoán ra. Bính nói “anh Đông Hồ thấy thì biết”. Hôm sau, tôi kể lại cho anh Đông Hồ nghe, anh Đông Hồ bảo Bính đã chiết tự hai chữ Hà Tiên đó. Bốn chữ Bính kẻ vào đính áo và nhờ tụi trẻ thêu bằng nét chữ màu son. Rồi Bính lại cười bí mật: “Đây là của Ngọc thêu cho “chú Bính” đấy!”. Những ngày ở Hà Tiên, Nguyễn Bính đã thầm yêu Tú Ngọc! Nhưng chỉ khi xa Hà Tiên, nhà thơ mới dám thổ lộ. Thời gian qua đi, năm 1951, Nguyễn Bính đã kết hôn với bà Nguyễn Lục Hà (tức Nguyễn Hồng Châu) rồi năm 1952, ông lại bỏ bà này và yêu một cô gái quê tên là Mai Thị Mới. “Người con gái quê” Mai Thị Mới hồi ấy mới mười chín tuổi, đã đi vào thơ của Nguyễn Bính qua bài “Gửi người vợ miền Nam” có đoạn:

...Nhớ lại buổi chúng mình gặp gỡ

Xanh bóng dừa bỡ ngỡ nhìn nhau.

Cắn môi chẳng nói lên câu

Ai hồng đôi má nghiêng đầu làm thinh...

...

Hương Mai tên xóm quê nhà

Vợ chồng liền đặt con là Hương Mai!

Những câu thơ ấy đã góp phần vào sự nghiệp thi ca chan chứa tình đời của ông để ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật. Cô con gái Hương Mai sau này làm giáo viên. Bà từng là Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, rồi Trưởng ban Văn hoá-Xã hội tỉnh Bến Tre, hiện đã nghỉ hưu và sinh sống tại địa phương.

Phạm Duy Trưởng
Nguồn: http://www.bienphong.com....ai-ve-thi-si-nguyen-binh/