Những bài thơ viết cho tuổi áo trắng của nhà thơ Nguyễn Đình Xuân, in trong tập thơ Cánh chuồn ngủ quên (NXB Văn hoá – Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2013).

 

 

Ảnh đại diện

"Cánh chuồn ngủ quên" - một hồn thơ trong trẻo

Một ngày cuối năm 2013 tôi được nhà thơ quân đội Nguyễn Đình Xuân tặng tập thơ "Cánh chuồn ngủ quên"; chỉ mới đọc mấy bài tôi đã đầy tình cảm và hứng thú. Dẫu biết tuổi mới lớn - tuổi đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời là hồn nhiên, ước mơ, hoài bão, trinh trắng là dấu ấn đẹp nhất đời người, song nó luôn luôn giữ nguyên thế ở một góc trái tim để rồi mỗi khi nó hiển hiện trong ký ức, ta tự mỉm cười với tình cảm trong sáng ấy, hoặc giả khi gặp bạn xưa không thể không ôn lại để rồi vang lên tiếng cười trẻ trung, hứng khởi bất tận khiến tinh thần sảng khoái bỗng quên đi những bộn bề, trăn trở của cuộc sống hiện tại. Ký ức ấy, tình cảm ấy cứ xanh mãi với thời gian, có mấy ai chuyển được thành thơ, nhưng tác giả trẻ Nguyễn Đình Xuân đã làm được điều đó. Bằng những câu thơ trong trẻo anh đã tái hiện một cách trung thực, hồn nhiên, vô tư mà đọc lên ai cũng đồng cảm, chấp nhận vui vẻ:

                              Cái thời tóc tết hai ngoe

"Sừng trâu" vểnh ngược, mái hoe hoe vàng

Rồi:                        Cái thời chơi quán, bán hàng

                    Dỗi hờn rào lối, cấm sang nhà người.

Đúng là tính cách của trẻ con một thời.

Giã biệt tuổi thơ để bước vào tuổi mới lớn mà có người gọi là tuổi "cốm", tuổi "choai choai", tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" thì biết bao nhiêu điều diệu huyền đã xảy ra: Đỏ mặt thẹn thùng, chân tay thừa trước người bạn khác giới. Suy nghĩ thì trong sáng, thánh thiện đầy ước mơ, hoài bão trước chân trời rộng mở đôi khi cũng mơ mộng viển vông nhưng thật đẹp. Đáng yêu cái tình yêu ban đầu thầm yêu trộm giấu.

                     Ngượng ngùng câu thơ viết tặng

                    Trao rồi lòng còn ngẩn ngơ

Tiếng trái tim cứ phập phồng theo ngày tháng:

Chớm nụ cười khe khẽ

Nhìn mình qua gương soi

Má hồng như thoảng phấn

Chợt thấy lòng chơi vơi...



Tuổi mười năm mơ mộng

Bao nhiêu là bâng khuâng...

(Sang tuổi mười lăm)

Sau tuổi trăng tròn là bước sang tuổi rực rỡ phát triển thân hình, tâm sinh lý tự nhiên được miêu tả khá tinh tế:

                     Ai nhìn mình đăm đắm thế

                    Vầng trăng chợt thức ngực đầy

                    Nụ cười bỗng nhiên e lệ

                    Nghiêng đầu tóc xoã ngang vai...

Hình ảnh một cô gái ngây thơ, thánh thiện như đang hiển hiện trước mặt ta. Trong giao tiếp cũng ý tứ hơn, trưởng thành hơn:

Gọi nhau không "cái" với "thằng"

Xưng mình và gọi bằng "đằng ấy" thôi

(Thơ cho tuổi mười bảy)

Tình yêu tuổi học trò đầy thơ mộng, thảng thốt như những nụ hồng tinh khôi trong buổi sớm mai đã được tác giả khắc hoạ bằng hình ảnh: Nhét thư dưới gầm bàn, lén giúi thơ vào tập sách, rồi thầm lặng khắc tên hai đứa vào thân cây phượng già... Đấy là những việc làm thường tình muôn thuở của bao thế hệ học trò nước ta và cũng cả trên hành tinh này nữa. Song ta vẫn thích thú sẻ chia với tác giả khi nó được đưa vào thi ca:

                              Mùa hè vẫn nở chùm phượng đỏ

                              Vẫn mãi trong tôi thuở học trò...

(Vẫn nhớ một thời)

Tình yêu mơ mộng thánh thiện một thời tuổi hoa ấy được tác giả gửi gắm trong nhiều bài thơ với nỗi nhớ sâu thẳm, bâng khuâng, đẹp đẽ:

Em đi tìm nỗi nhớ

Gặp tiếng ve lạc về

Giấu vào trong sắc cỏ

Những nỗi niềm đam mê.



Em có nghe tiếng gió

Dìu nụ cười bước đi

Để nắng chợt thảng thốt

Đốt bừng sau cơn mưa...

(Em vào mùa hạ)

Ở tập thơ "Cánh chuồn ngủ quên", tác giả Nguyễn Đình Xuân sử dụng nhiều thể thơ đa dạng, phong phú như: Lục bát, ngũ ngôn, tự do, thơ văn xuôi... Song ở thể loại nào thơ cũng ăm ắp hoài niệm, tính trữ tình và tính nhân văn. Có sự tìm tòi, khám phá cái mới trong câu chữ nên câu thơ mềm mại, thấm thía, người đọc chấp nhận một cách thoải mái để rồi say sưa đọc không chán. Một điều Nguyễn Đình Xuân khác với nhiều nhà thơ trẻ đó là anh làm khá nhiều thể thơ truyền thống lục bát, ngũ ngôn nhưng rất đậm đà, đằm thắm. Cảnh và tình hoà quyện với nhau bồi đắp dày thêm tình yêu quê hương, yêu người. Câu chữ tài hoa, tinh tế không cầu kỳ, khó hiểu nên có sức cảm hoá, lay động tâm hồn, tải được tinh hoa của tâm hồn Việt.

           Hoa gạo đã đỏ tháng ba

           Quê nhà chớm tím hoa cà rồi đây

           Xuân còn non trái tơ cây

           Nghe hè rạo rực trời đầy tiếng chim...

(Sắp sang hè)

Mặc dù cảnh sắc này nhiều người đã đưa vào thơ nhưng riêng anh nó vẫn hiện lên rất đẹp, không hề cũ.

Cảnh thu trong thơ anh thật quyến rũ, rất nhiều bài thơ về thu rất ấn tượng:

Chiều trong nhè nhẹ heo may

Se se cỏ mật ngất ngây thu về

Đi trong hương cỏ đồng quê

Yêu kiều dáng nữ tóc thề ngang vai...

(Hương cỏ)

Rồi:               Chiều quê mỏng mảnh luống sương

Hanh heo nắng rắc vấn vương sắc vàng

Em gánh nỗi nhớ sang ngang

Để tôi thờ thẫn giữa ngàn sóng hoa...

(Mùa hoa cải)

Chữ "sóng" ở đây thật sáng tạo, đạt cả cảnh lẫn tình. Chỉ những ai thực sự gắn bó với làng quê mới thấy cảnh quê thân thương, gần gũi biết nhường nào:

                              Đồng làng chim ngói vắng thưa

Gặp em bối rối cả mùa cốm thơm

Đường về vàng rộm ngõ rơm

Hình như em đã ướp hương nhớ thầm...

Có thể ở ai đó coi mùa thu là buồn, là heo may xào xạc, là xao xác lá vàng, nhưng ở Nguyễn Đình Xuân:



Nắng rắc vàng lưu luyến

Lá lìa cây đớn đau

Hồn tôi làm lá biếc

Cho trời thu xanh màu.

(Thu đến)

Tính nhân văn của tác giả chính ở khổ thơ này. Ta càng trân trọng quan điểm, lối sống cao đẹp: Sống là để cho.

Cũng tương tự như vậy ở trong bài thơ "Mưa bụi":

                              Gọi mầm xanh biếc cỏ cây

   Mưa trùm đồi núi, mưa dày đồng xanh

   Hạt mưa nhẹ thế mong manh

   Nhỏ nhoi gom lại để thành mùa xuân...

Tôi chợt liên tưởng đến bài thơ của một tác giả khác:

Cây si mọc ở kẽ tường

Nắng mưa ai biết. Cây vườn thua xanh

Đùa vui chim đến vin cành

Véo von nhả giọng mà thành mùa xuân

(Cây si hoang dại)

Ngoài những bài thơ dành cho tuổi học trò, cho quê hương yêu dấu Nguyễn Đình Xuân cũng có bài thơ viết cho người mẹ miền quê thân thương của mình:

Gió cuốn bụi tung đồi đất đỏ

Lưa thưa cây cạnh con đường mòn

Mẹ gánh trên vai đầy nắng hạ

Bóng đổ trùm lên giọt mồ hôi...

Đọc hết tập thơ "Cánh chuồn ngủ quên" mà muốn đọc lại lần nữa, muốn nhâm nhi thêm, muốn chép vào sổ tay những câu thơ hay. Có thể nói mỗi bài thơ là một khúc tâm tình, là một bài thơ giàu hình ảnh, đằm thắm nghĩa tình, trong sáng thuỷ chung đầy hoài niệm, nhung nhớ, bâng khuâng nhưng cũng vô cùng gần gũi với cuộc sống thường nhật. Bài thơ "Quê hương" chân chất, dung dị nhưng đủ sức lay động tâm hồn người đọc.


Bạch Liên


Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bắc Ninh

Số 11, Khu 4, Vệ An, Tp. Bắc Ninh

ĐT: 0241.3824563
Từng con chữ dường như biết nói...
Chưa có đánh giá nào
Ảnh đại diện

Cánh chuồn ngủ quên của tuổi học trò

“Cánh chuồn ngủ quên” là tập thơ mà Nguyễn Đình Xuân "lặng lẽ sáng tác để dành cho tuổi mình, tuổi áo trắng sân trường, để lắng nhớ về một thời đầy ước mơ, hoài bão" (lời tự bạch của tác giả).

    Quả thật, đọc gần 70 bài thơ, có nhiều bài sáng tác khi tác giả còn là học sinh Trường THPT Nam Sách cách đây trên 20 năm, ta cảm nhận được cái hồn nhiên, trong sáng của lứa tuổi mới lớn. Nhiều bài thơ nói về quê hương thật ngộ nghĩnh. "Quê hương là chiều đông nhiều gió/Lũ trẻ chăn trâu đi sắm hỏa lò/Nhặt quả phi lao khô/Đốt lửa/Ho sặc sụa vì khói/Củ khoai nướng đỡ khi bụng đói/Miệng hát nghêu ngao" (Quê hương). Những vần thơ giàu xúc cảm về mái trường xưa:

Em lớn lên từ mái trường này

Ngày trở lại lòng bồi hồi, rộn rã

Em có gì tặng thầy cô đâu

Em chưa làm được gì nhiều cả

         (Viết trong ngày hội trường).

       Về một lớp học ngày nào: Lớp học xưa, tiếng thầy vang vọng mãi/Bài giảng tình thầy, cội nguồn chúng em đi. Về một mái trường luôn luôn sống động: "Mái trường như lớp sóng xô/Bao năm gối bước học trò sang ngang...

       Phần sâu đậm nhất của Cánh chuồn ngủ quên là tình bạn, tình yêu lứa tuổi học trò đầy mộng mơ, lãng mạn. Đó là khoảnh khắc "Mưa dùng dằng trong nắng/Lăn giọt nước mắt cây/Gió còn nghiêng lá vẫy/Em như vừa qua đây" (Chia tay mùa hạ). Đó là vật kỷ niệm “Em tặng tôi bông cỏ mùa thu/Và câu thơ tuổi học trò bối rối/Trang giấy trắng dòng chữ nghiêng viết vội/Hình như em sợ ai bắt gặp mình?". Có những chi tiết chẳng thể nào quên: Con chuồn ngô lạc vào lớp học/Đậu chênh vênh trên vành nón treo tường (Cánh chuồn ngủ quên), Gọi nhau không "cái" với "thằng"/Xưng "mình" và gọi bằng "đằng ấy" thôi (Thơ cho tuổi 17)... Người đọc bắt gặp nhiều hương vị mùa hạ lẫn mùa thu, của quả bàng và hoa phượng, tiếng ve và cánh hoa, tất cả cứ ríu ran đôi lứa. Cho đến nay, đã xa rồi mà đọng mãi:
Xa rồi một thuở vu vơ

Sân trường thành chuyện ngày xưa chúng mình.

                                     (Cho một người xa)

         Cũng có lúc buồn man mác "Anh ngược chiều lá rụng/Thấy se lòng vu quy" (Chia tay mùa hạ), "Phượng chói chang thả buồn vào khoảng vắng/Mưa giăng hồng đan nỗi nhớ lòng tôi" (Bâng khuâng). Nhưng đó chỉ là những phút giây đáng yêu, đáng trân trọng của lứa tuổi hoa niên.

       Cánh chuồn ngủ quên (Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh) là một đóng góp mới của Nguyễn Đình Xuân cho mảng văn học viết cho tuổi mới lớn hiện nay đang còn để ngỏ.


VƯƠNG BẠCH

Từng con chữ dường như biết nói...
Chưa có đánh giá nào