TRẦN THI phỏng vấn Nhà thơ VÂN LONG (trên phụ san báo Bảo vệ Pháp luật dịp Tết Đinh Hợi 2007)

Suốt gần nửa thế kỷ, ai cũng cho bài thơ Dặm về (khi lưu truyền còn được gọi là Mai chị về) là của nhà thơ Quang Dũng, tác giả Tây tiến, Đôi mắt người Sơn Tây… Ai cũng tin, vì chất giọng lãng mạn trong sáng khá gần với chất thơ Quang Dũng, đẳng cấp bài thơ cũng không thua gì những bài hay của Quang Dũng. Chả thế, bài thơ được chép tay, lưu truyền, trình diễn ở các buổi liên hoan trong các vùng kháng chiến cả nước, trong Hà Nội tạm chiếm trước 1954 và 35 năm sau đó, thu đĩa thu băng ở Sài gòn và hải ngoại trước và sau 1975, cuốn Thi nhân tiền chiến xuất bản tại Sài Gòn trước 1975 đều được giới thiệu và in rõ tác giả là Quang Dũng. Thế mà từ một nghi vấn nhỏ, nhà thơ Vân Long đã mở cuộc điều tra qua nhiều người, nhiều hoàn cảnh và tìm được tác giả, trả bản quyền bài thơ cho chủ nhân của nó: Đó là ông Nguyễn Đình Tiên, đại tá nguyên Cục phó Cục xuất bản Bộ quốc phòng. Cả đời, ông chỉ xuất bản cuốn Chân dung tướng nguỵ Sài Gòn và một số truyện ngắn in rải trên các báo, không hề làm một bài thơ nào nữa, nên khi lấy lại được bản quyền bài thơ, ông bèn tập hợp bài, in thêm một tập truyện ngắn cuối đời Ra giêng anh lại đi tìm (NXB Quân Đội Nhân Dân, 1990) và in bài thơ “châu về hợp Phố” này vào bìa 4 tập truyện.

Vì chứng lý chính xác của cuộc điều tra, in trong bài Bài thơ tìm được tác giả của Vân Long (Văn nghệ số 42-43, 28/10/1989 số đặc biệt Khai mạc Đại Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IV), sau đó bài thơ đã được bổ sung vào Tuyển thơ Kháng chiến 1945-1954 tái bản (NXB Hội nhà văn 1995), được định danh, định vị sau đúng nửa thế kỷ bị coi là của Quang Dũng. Trong lịch sử văn học từ xưa đến nay, có lẽ không bài thơ nào có số phận kỳ lạ như vậy! Chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc bài thơ và cuộc trò chuyện của Trần Thi với nhà thơ Vân Long, nguyên chủ tịch Hội đồng Thơ Hội nhà văn Hà nội về cuộc điều tra này.
...

P.V.
– Thưa nhà thơ, cuộc điều tra khó khăn nhất là ở khâu nào?
Nhà thơ Vân Long:
– Có lẽ đó là: dứt được bài thơ ra khỏi cái bóng của ông Quang Dũng phủ lên nó suốt 44 năm, hai người nhất quyết cho là của Quang Dũng là nhà thơ Hoàng Cầm, và nhà văn Nguyễn Dậu. Thậm chí Nguyễn Dậu còn kể “Khi Quang Dũng đến trại thiếu sinh quân chúng tôi, tôi hỏi anh có bài thơ nào hay không? anh vội ra suối tắm đã vứt lại cuốn sổ tay “Các cậu xem có bài nào thích thì chép” Và chính tôi đã chép bài Mai chị về ở cuốn sổ đó!” Chứng cớ này chưa đủ sức thuyết phục, vì trong sổ tay của Quang Dũng có thể có thơ của bạn bè.

Điều xác thực và là điểm xuất phát để tôi quyết định điều tra xem ai là tác giả là thời điểm anh Quang Dũng nằm liệt trên giường bệnh, việc soạn bản thảo để xuất bản Mây đâu ô hoàn toàn do nhà thơ Trần Lê Văn làm giúp bạn. Tôi giở tập bản thảo sắp đưa nhà in, ngạc nhiên không thấy bài Mai chị về mà chính tôi cũng có lần nghe Quang Dũng ngẫu hứng ngâm mấy câu. Tôi hỏi “Sao anh không chọn bài thơ đó?” Ông Trần Lê Văn trả lời “Tôi có chọn chứ, nhưng ông Dũng không nhận là thơ của mình” Tôi kinh ngạc: “Vậy thì có thể của ai bài thơ đó? Ai cũng cho là thơ Quang Dũng mà!” Trần Lê Văn: “Tôi có hỏi như vậy, ông Dũng lắc đầu rồi nói một câu nghe không rõ (sau tai biến não) tôi chỉ nghe và đoán được hai tên người là Vũ Hoàng Địch và Phan Quang Chấn (Nhà giáo Vũ Hoàng Địch là em trai nhà thơ Vũ Hoàng Chương, Phan Quang Chấn là bác sĩ quân y trung đoàn Tây tiến)…

P.V.:
– Chắc là nhà thơ sẽ tìm đến hai ông này?
V.L.:
– Tôi chỉ biết ông Vũ Hoàng Địch, ông Chấn thì tôi chỉ mới nghe nói, chưa biết ông ở đâu. Ông Vũ Hoàng Địch không dám khẳng định gì nhưng lại cho tôi biết bác sĩ Chấn ở khu tập thể Viện Lao. Khi gặp được bác sĩ Chấn, mắt ông sáng lên một tình cảm đặc biệt khi nghe nhắc đến Quang Dũng. Ông biết điều tôi cần tìm hiểu, liền lục dưới đáy tủ ra một cuốn sổ dầy, ông lật lật và giở cho tôi xem mấy trang thơ chép tay. “A! Chữ ông Quang Dũng đây rồi!” Cả tôi và ông Chấn cùng reo lên. Bài thơ đầu chùm đúng là bài tôi đang đi tìm tác giả, nhưng lại đặt tên là Không đề, và trớ trêu thay, dưới bài, chữ Quang Dũng lại ghi Không tác giả.

Tôi lật tiếp thì đến bài Tây tiếnMắt người Sơn Tây, dưới hai bài đều đề tắt QD. Chữ Quang Dũng chép tiếp cả bài Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị.Tôi nghĩ: Bài Mai chị về hay Không đề này trong sáng, chất lãng mạn cũng không “nặng căn” gì hơn Mắt người Sơn Tây để ông phải từ chối nó, nếu nó là con ông đẻ ra. Một bài đặc biệt của Quang Dũng, tôi tìm được trong dịp này là Chiêu Quân ông đề rõ bên dưới bài QD 1937, chép ngay trong cuốn sổ này, vậy là tôi đã tìm được bài thơ đầu tiên của Quang Dũng làm năm 16 tuổi. Cùng với bài Cố quận, 1940 tìm được sau khi in Mấy đầu ô, cho nên ở các tập tuyển sau mới xuất hiện 2 bài này, một dấu hiệu đáng lẽ có thể gọi ông là nhà thơ tiền chiến, nếu 2 bài này đưa in trước 1945.

Vậy có thể kết luận: Không đề, Mai chị về hay Dặm về không phải thơ của Quang Dũng! Cái lắc đầu của ông bên giường bệnh và bút tích chép thơ cho bạn Phan Quang Chấn từ năm 1949 ở Hang Cáy (Đầm Đa - Chi Nê) đã xác định điều đó! Cần ghi nhận sự trung thực của Quang Dũng khi ông từ chối một bài thơ hay vô chủ mà mọi người đều gán cho ông.

(Nhà thơ cười, nói vui: Trong chuyến “điều tra’ này, về con số mà nói: tôi dứt được khỏi Quang Dũng một bài, lại tìm thấy một đứa con thất lạc của ông, cộng 1 trừ 1, vậy là…vô công!)

P.V.
– Tôi được biết nhà thơ đã đưa những thông tin đó lên báo Văn nghệ (số 37, 16 tháng 9-1989) trong bài Đi tìm xuất xứ một bài thơ để mời mọi người cùng tham gia tìm kiếm. Sau đó…?
V.L.:
– Có nhiều bạn yêu thơ lên tiếng, hầu hết vẫn cho là thơ của Quang Dũng, nhưng không ai có chứng cứ thuyết phục, chỉ duy nhất có anh Nguyễn Hà nói: “Hình như có lần tôi nghe ai đó nói của Nguyễn Đình Tiên!” (một cái tên hoàn toàn xa lạ với làng thơ!) Nhưng đến ngày 27 tháng 9/1989 thì toà soạn báo Văn nghệ nhận được thư ông Nguyễn Đình Tiên nhận là tác giả bài thơ, và nhắc đến một vài người biết bài thơ hồi ông mới viết, trong đó có nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc đã phổ nhạc bài thơ đó, nhưng bài hát không được phổ biến. Tôi mừng quá! nhạc sĩ này cũng là ông bạn vong niên của tôi, tôi liền đến gặp nhạc sĩ, rồi cùng ông đến nhà ông Nguyễn Đình Tiên, hai ông nhận ra nhau ngay, và hàn huyên nhớ lại những người bạn chung ngày ấy…

P.V.
– Và thế là mọi người phải “tâm phục khẩu phục” kết luận cuộc điều tra?
V.L.:
– Sự việc không đơn giản thế! Gán một bài thơ nổi tiếng cho một người không thấy làm thơ bao giờ cũng khó như bứt bài thơ đó ra khỏi nhà thơ nổi tiếng Quang Dũng! Chính những người gần gũi ông nhất trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp lại không tin điều này: “Ông Nguyễn Đình Tiên là một cán bộ mẫu mực, lý trí, tính nguyên tắc cao hơn cả… cán bộ tổ chức. Sao ông có thể là tác giả bài thơ lãng mạn đó?

P.V.
– Tôi nghe nói Giáo sư – tiến sĩ Đình Quang là em ruột ông Nguyễn Đình Tiên, sao nhà thơ không xác minh bằng cách hỏi ông Đình Quang?
V.L.
– Lúc đó tôi chưa biết mối quan hệ anh em của hai ông. Nhưng để hai anh em trong nhà làm chứng cho nhau, liệu công chúng có chịu tin?

P.V.
– Vậy nhà thơ thuyết phục mọi người bằng cách nào?
V.L.
– Ngoài dẫn lời nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc và mấy người bạn chung của hai ông, tôi còn phải đưa ra một chứng lý rất… xã hội học.

P.V.
– Xin nhà thơ cho nghe chứng lý ấy!
V.L.:
– Nhà thơ Vũ Cao cũng là bạn lâu năm của Nguyễn Đình Tiên, kể cho tôi câu chuyện: “Một đêm giao thừa ở Việt Bắc, cơ quan báo chỉ còn tôi và anh Thâm Tâm ở lại trực. Ngồi bên đống lửa chống rét, khi câu chuyện đi vào chiều sâu, tôi tâm tình với anh: “Muốn nói gì thì nói, bài Tống biệt hành vẫn là bài thơ rất hay, xúc động lòng người. Đêm nay chỉ còn anh và tôi, anh cho phép tôi đọc lại bài thơ ấy nhé! Thâm Tâm khẽ gật đầu. Khi tôi đọc, từng câu, từng câu mắt anh rưng rưng lệ. Tôi đọc xong, anh lấy khăn tay lau mắt, rồi nghiêm giọng cấm tôi từ nay không được đọc bài ấy nữa. (Bài Tống biệt hành thời gian ấy bị phê phán).

Thâm Tâm lúc đó là thư ký toà soạn báo QĐND, ông có thể ngồi lì cả buổi, cả ngày bên bàn viết, tính nguyên tắc rất cao… khác hẳn con người nghệ sĩ của ông trước Cách mạng như tôi được biết…” Muốn trở thành con người mới, Thâm Tâm quyết dứt bỏ đứa con tinh thần của mình. Phải chăng Nguyễn Đình Tiên cũng có sự thay đổi quyết liệt con người mình như vậy.

P.V.:
– Nhà thơ có ấn tượng gì về tác giả Nguyễn Đình Tiên?
V.L.
– Đó là một con người trung thực với mình trong sáng tạo thơ. Khi ông nhận ra con người mình chỉ làm được giọng thơ này, là giọng điệu không phù hợp với thời kỳ Cách mạng thì ông quyết không làm thơ nữa. Ông bảo tôi: “Khi làm xong bài thơ ấy, tôi coi nó bình thường thôi, sẽ chẳng ai nhớ đến nó làm gì! Thơ bấy giờ phải viết như ông Trần Mai Ninh (tác giả Nhớ máu, Tình sông núi), chứ không thể vẩn vơ, lãng mạn như bài của tôi!“

Thật tiếc là ông không đi cùng chúng ta tới ngày hôm nay để thấy thêm: Loài hoa nào cũng có vị trí của nó trong vườn hoa của cộng đồng dân tộc!

P.V.:
– Theo nhà thơ, vì sao bài thơ Dặm về lại có số phận trôi nổi độc đáo như vậy?
V.L.:
– Có thể cắt nghĩa bằng hoàn cảnh xã hội, cuộc kháng chiến toàn quốc đã đảo lộn tận gốc rễ cách sống của mỗi người, nhiều điều lớn lao hơn, cần quan tâm hơn là sở hữu chủ của một bài thơ khi mà chủ của nó cũng gần như quên có nó trên đời. Nhưng trước tiên, muốn có được số phận trôi nổi đó, bài thơ phải hay, nếu không, nó đã chìm nghỉm từ lâu. Sức sống của bài thơ hay quyết liệt hơn ý chí chủ quan của con người!

P.V.:
– Chúng ta đang bước vào thời điểm Đại Hội nhà văn lần thứ VIII, bài kết thúc cuộc “điều tra văn học” của ông Bài thơ tìm được tác giả lại in vào số báo Văn Nghệ đặc biệt chào mừng Đại Hội nhà văn lần thứ IV (28-10-1989), Đại hội của đổi mới văn học. Ông có nhận định gì về trường hợp ông Nguyễn Đình Tiên với hiện tượng một bài độc đáo này?
V.L.
– Có lẽ mời bạn đọc lại lá thư của ông Nguyễn Đình Tiên nói về xuất xứ bài thơ để hiểu rõ hoàn cảnh ra đời của nó và tâm thế người viết. Ông Nguyễn Đình Tiên tuy mới học qua trung học thời Pháp, nhưng đã đọc văn học Pháp không cần qua bản dịch. Ở tầm hiểu biết văn hoá Pháp và trào lưu Tự Lực văn đoàn, ông có thể được coi là thế hệ trí thức cũ đi với Cách mạng. Nền văn hoá cơ bản đó giúp ông tránh được những non yếu trong ngôn ngữ thơ ngay ở bài thơ đầu, không những thế, sự lặp lại cố ý như một điệp khúc ở câu cuối mỗi khổ thơ (“Bụi vướng ngang đầu, mong nhớ mong / Ngựa lạc cành hoang, qua lướt qua / Hươu chạy theo đàn, theo ngó theo / Buồn dựng đôi mi, ngàn lại ngàn”) như ông nói với tôi, là ảnh hưởng một bài thơ Pháp ông còn nhớ được. Nhưng điều chủ yếu bài thơ hay là được viết trong trạng thái xúc động nhất lúc đầu đời của tác giả (nghe tin đó (người bạn gái tri âm sẽ phải rời xa mình) như sét đánh ngang tai). Chỉ qua vài nét trong lá thư dưới đây ta đã có thể hình dung đó là một dạng tình yêu bị dồn nén (bởi mặc cảm). Hai người còn gần gụi nhau hơn “tình chị em” kiểu Lá diêu bông của Hoàng Cầm vì họ cùng ở độ tuổi 20! Gặp được một cô gái (hẳn là xinh đẹp thông minh) cùng trình độ ở một tỉnh lẻ đâu phải dễ! Tác giả không thể không viết để giải toả ẩn ức nội tâm. Vì vậy mà truyền được sức sống của nó qua thời gian và qua bao thế hệ.

P.V.
–Xin cảm ơn nhà thơ!


Phụ lục: Thư Nguyễn Đình Tiên gửi báo Văn nghệ (số 40, ngày 7/10/1989)

Hà Nội ngày 18 tháng 9-1989
Kính gửi toà soạn tuần báo Văn Nghệ,
Thưa các anh các chị,
Tôi xin phép được xưng danh: Tôi là Nguyễn Đình Tiên, người viết cuốn Chân dung tướng nguỵ Sài Gòn, trước khi nghỉ hưu là đại tá Cục phó Cục xuất bản Bộ quốc phòng.
Tôi mạo muội nói đôi nét về mình để giữa toà soạn và tôi có sự am hiểu về nhau, thuận lợi cho việc trao đổi ý kiến khi cần thiết.
Chiều chủ nhật 17 tháng 9-1989 vừa rồi, em tôi là Nguyễn Đình Cao ở trường Đại học sư phạm Hà Nội cầm tờ Văn Nghệ số 37 đến thăm tôi, báo tin:
- Ông Vân Long ở tuần báo giới thiệu bài thơ anh làm năm 1945 ở Thanh Hoá. Tiếc là có mấy chỗ lầm lẫn hoặc thiên hạ tự ý sửa chữa, và đặt vấn đề: hiện nay vẫn chưa biết ai là tác giả và xuất xứ bài thơ ra sao? Theo lời kêu gọi của ông Vân Long, anh nên báo cho toà soạn biết anh là tác giả để đỡ mất thời giờ cho việc tìm kiếm.
Tôi cầm tờ báo đọc và thực sự xúc động trước tinh thần đầy trách nhiệm của ông Vân Long.
Vâng, tôi là tác giả bài thơ đó. Bài thơ mang tên là Dặm về. Tôi xin chép ra kèm theo dưới đây nguyên văn bài thơ đó, được viết vào mùa thu năm 1945 ở thị xã Thanh Hoá. Sở dĩ bài thơ nằm trong nhiều cuốn sổ tay, kể cả của nhà thơ Quang Dũng và ông Vân Long là do sự phổ biến của hai người bạn cũng ở Thanh Hoá lúc đó:
1- Nhạc sĩ nghiệp dư người Công giáo là An-phông-xô Trần Quang Trường. Tình cở Trường đọc bài Dặm về thấy nhiều nhạc tính nên phổ nhạc. Anh mời tôi đến nhà kéo vĩ cầm cho nghe, và hát bằng một giọng nam trung khá hay. Anh Trường nói đã hát cho nhiều nhạc sĩ ở trung ương nghe, trong đó có nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc.
2- Anh Nguyễn Phương (sau này làm báo Hà Nội mới). Anh Phương rất thích bài thơ của tôi, hay đem bài này làm đề tài nói chuyện với anh em trẻ. Cả hai anh lúc này đều đã thành người thiên cổ.
Còn xuất xứ của bài thơ này ra sao? Vì sao Cách mạng tháng Tám đã nổ ra rồi mà tôi còn làm thơ lãng mạn, tôi xin trình bầy như sau:
Tháng 9 – 1945, có ba chị em một chị trí thức dòng dõi đại điền chủ Nam Bộ tránh giặc Pháp, dạt ra miền Trung và đến Thanh Hoá. Ba chị em ở nhờ nhà ông Nguyễn Ninh, sau này là diễn viên kịch nói ở Đoàn kịch nói trung ương. Chị Phan Ánh Tuất là chị cả vào làm việc ở thư viện của Nhà văn hoá Cứu quốc.
Tôi đến mượn sách nên quen biết chị, và trở thành người bạn tâm sự của chị trong cảnh xa nhà. Cũng 21 tuổi nhưng chị ra đời trước tôi khoảng nửa năm, lại là con gái hiểu biết sớm hơn về cuộc sống, nên tôi gọi chị là “chị” rất mực kính trọng. Một lý do nữa vì hoàn cảnh gia đình, tôi học chậm, đang học trung học, còn chị đã đỗ tú tài triết học năm 19 tuổi. Giữa tôi và chị rất thân nhau như bạn bè, nhưng vẫn có cái hố ngăn cách về tình cảm do sự mặc cảm của tôi dựng lên.
Đến tháng 10 -1945, đang nói chuyện với nhau vui vẻ ở thư viện, chị bỗng im lặng rồi thông báo một tuần nữa ba chị em sẽ ra Hà nội liên lạc với anh em sinh viên Nam Bộ tìm đường về Nam với gia đình. Lúc đó, tôi còn quá trẻ, nghe tin đó như sét đánh ngang tai. Đêm đó, tôi chong đèn suốt đêm và viết bài thơ Dặm về.
Dặm về là bài thơ đầu tiên và cuối cùng của đời cầm bút nghiệp dư của tôi. Tình cảm bị dồn nén, nhưng không nói khác hơn được, nên tôi dùng cách nói xa xôi như trong Dặm về.
Phút chia tay, tôi đưa tặng chị Phan Ánh Tuất bài thơ này. Chị mở ra đọc luôn và tặng lại tôi tiểu thuyết La mère của M. Gorky, bản dịch bằng tiếng Pháp (lúc bấy giờ tiểu thuyết Người mẹ của M.Gorky còn rất hiếm ở tỉnh lẻ).
Chúng tôi xa nhau từ đó, tôi hoàn toàn không biết tin tức gì về ba chị em Tuất. Chỉ nghe anh em Nam bộ nói cả gia đình hình như đang sống ở nước ngoài.
Cuối năm 1946, tôi nhập ngũ. Nhiệm vụ đánh giặc vùi lấp rất nhanh kỷ niệm đẹp đẽ cũ và cả bài Dặm về lãng mạn của tôi. Cảm ơn ông Vân Long và toà soạn Tuần báo đã làm sống lại trong tôi những hình ảnh tôi tưởng vĩnh viễn xoá nhoà và đã đem đến cho tôi những xúc động bồi hồi khi đọc lại bài thơ viết đã 45 năm qua.
Chân thành chúc các anh các chị ở toà soạn và tác giả bài báo Đi tìm xuất xứ một bài thơ trong mục Sổ tay Thơ dồi dào sức khoẻ để làm cho tờ tuần báo Văn Nghệ ngày càng có uy tín lớn trong các tầng lớp bạn đọc trong cả nước.

Nguyễn Đình Tiên
(phòng 27, Nhà A1, Vĩnh Hồ, Thịnh Quang, Đống Đa – Hà Nội)
tửu tận tình do tại