Ngày 22 tháng Hai năm Bính Dần (tức là ngày 4-4-1926)
Bạn cũ: Ngô Đức Kế, Lương Văn Can, Dương Bá Trạc, Lê Hiến, Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Minh Cầu, Trịnh Đình Lưu, Bùi Kỷ

Kính điếu linh toạ Việt Nam chí sĩ Tây Hồ Phan tiên sinh rằng:
Có người chết mà người ta mừng, có người chết mà người ta tiếc. Mừng không phải vì thù riêng, tiếc không phải vì ơn riêng. Lưu xú lưu phương, lúc đậy ván thiên tức là định luận. Đến như chết mà có quan hệ đến quốc dân, đến xã hội thì tình thương tiếc có phải là riêng những người quen biết đâu!
Tiên sinh sinh cuối thế kỷ thứ mười chín, gặp buổi toàn cầu đương đua tranh mà nước ta vẫn còn mê ngủ; kẻ thì mải miết khoa cử, kẻ thì tấp tểnh lợi danh; triều đình vẫn quen thói áp chế, quan trường vẫn theo lối gian tham, quốc dân thì não chất chưa khai, chí sĩ thì phương châm chưa định.
Tiên sinh đã trải qua đường khoa cử, áng quan trường rồi, thấu hết tình tệ, đem nhiệt tình muốn cứu nước đi khắp trong Nam ngoài Bắc, Nhật Bản, Trung Hoa; để con mắt xem xét, biết rằng muốn cứu nước phải khai dân trí, chấn dân khí làm đầu, mới xướng ra chủ nghĩa cải cách chính trị. Ngôn luận của tiên sinh như mõ gõ, chuông khua, quốc dân đã dốc lòng tín ngưỡng.

Luy luy thiết toả xuất đô môn
Khảng khái bi ca, thiệt thượng tồn
Quốc thổ trầm luân, dân tộc tuỵ
Nam nhi hà sự phạ Côn Lôn
Xem thế thì đủ biết phách lực của tiên sinh, can đảm của tiên sinh quả nhiên công lý, không vì cường quyền mà chịu ép. Bấy giờ mới được rời chân hải đảo, rộng bước Ba thành, nhân dịp ấy mới giao kết những bậc thượng lưu bên Pháp, hết sức vận động việc cải cách chính trị và rèn đúc tinh thần ái quốc cho du học Việt Nam, anh em trong nước ai cũng mừng thầm.
Tiên sinh nhân du lịch mà rộng thêm học thức, quốc dân theo trình độ mà đến lúc mở mang, rắp tâm khi về nước đem cái mắt như sao, lưỡi như sóng, khua hết miền Nam bể Bắc, dắt nhau lên chốn vũ đài.
Ai ngờ tàu Ô Cấp vừa mới cắm neo, bệnh Tử Phòng đã toan kiêng thóc. Bài diễn thuyết bên tai vừa mấp máy, điện phó âm trong nước đã vang lừng. Phàm nội trong Việt Nam già đến trẻ, gái đến trai, vãn cái lòng sắt đá của tiên sinh, cảm cái bước đắng cay của tiên sinh, tiếc cho tiên sinh tạo nhân mà chưa thấy kết quả, ai chẳng vì tiên sinh giỏ hai hàng nước mắt. Huống chi chúng tôi, kẻ thì cùng bạn bút nghiên, kẻ thì chung vòng hoạn nạn, tình thương tiếc biết là dường nào!
Núi Ngũ Hành mây phủ bóng phách tinh; sông Cửu Long sóng tràn bờ truỵ lệ.
Đường xa dặm thẳm, khôn bề đắp cỏ trước mồ; kẻ khuất người còn, gọi chút chiêu hồn cửa Phật. Nhân ngày tang sự, đặt tấm vi thành.

Than ôi!
Trượng phu bốn biển là nhà, chí sĩ vợ con là nước; bậc đại nhân có quản chi sống chết, tấm linh hồn còn tỏ với non sông!
Mài sắt có ngày nên kim, sự ấy còn mong phường hậu tử; trồng cây chực ngày ăn quả, làm sao cho nối chí tiên sinh. Than ôi!


Bài do Ngạn Xuyên Ngô Đức Thọ phiên âm từ bản chữ Nôm chép trong tập Hợp quần doanh sinh đồ thuyết (Viện nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu VNv.224).