Khi nhân văn chưa hiện ra thì như thuần chất còn ẩn trong hòn ngọc thái phác.
Chỉ thắt nút dây để làm ước hẹn, vì hồi bấy giờ chưa biết chép ghi.
Lớn lao thay vị thần thánh Hy Hiên, căn cứ vào đạo trời mà lập ra đạo “đại trung” để dây dân.
Đặt ra văn tự để tiên dùng, lấy chữ nghĩa để mà ghi chép.
Lập ra sử quan để giữ gìn phép tắc, làm ngay ngắn mối quan hệ giữa vua tôi.
Đến khi Nghiêu Thuấn nối ngôi, công nghiệp lại rỡ ràng hơn thuở trước.
Vũ Thang khép mình nên cung kính, Kiệt Trụ buông lỏng nên bạo tàn.
Văn Vũ hoà mục mà khiêm cung, U Lệ hôn mê mà tàn bạo...
Người lấy đức để dấy nền thịnh trị, kẻ tối tăm nên làm mất nước nhà.
Ai cầm bút ghi chép thẳng thắn mà được nêu đầy đủ rõ ràng nơi sử sách?
Ôi! Từ khi bánh xe họ Cơ dời sang phía đông, kỷ cương của nhà vua suy đồi không dựng lại được.
Giáo mác ngổn ngang bờ cõi, người hoá ra cầm thú ăn thịt lẫn nhau.
Tôi giết vua, con lại giết cha, luân thường theo đó mà mai một.
Đúng Đổng Hồ là người kiệt xuất, lo giữ gìn khuông mẫu người xưa.
Thường khó nhọc quên cả thân mình, hết lòng thành để viết sử.
Cầm cân nảy mực trong tâm tư, dồn sấm sét ra uy nơi ngọn bút.
Khen điều gì không ngoài cái ác, cầm bút chép một cách thẳng thắn, dù mảy may chẳng dám đơn sai.
Làm sáng tỏ đúng sai muôn thuở, vạch rõ ra sự được mất đương thời.
Khen chê thì nghiêm khắc ở điều thưởng phạt, nghị luận thì dứt khoát như lưỡi búa rìu.

Căm giận thay Linh Công vô đạo, chỉ chuyên nghề bòn rút sinh dân.
Giết kẻ ninh châu gấu chẳng nhừ, từ đài cao bắn người vô tội.
Vui thoả thích hàng ngày không nghỉ, Tuyên Tử can y càng nổi giận.
Sai Sư Nghê giết Triệu Thuẫn đi, Nghê đâm đầu vào gốc hoè tự tận.
Bầy tiệc rượu suỵt chó ngao ra, ngao vượt thềm đuổi cắn.
Tuyên Tử sợ chạy ra ngoài cõi, nước Tấn từ đó loạn bời bời.
Đến vườn đào, Triệu Xuyên giết [Linh Công], đạo thần tử nỡ nào nghe việc ấy.
Thuẫn nghe xong nước mắt đầm đìa, nhưng hình tích gần như kẻ giết vua là Thuẫn vậy.
Vì đã chạy trốn sao không ra khỏi bồ cõi để dứt khỏi chức phận, đã trở về sao không trừ loạn tặc để trả ơn vua.
Ôi! Đi hay về đều là thất nghĩa, cho nên khó tránh được trách nhiệm của mình vậy.

Lớn lao thay bút pháp của Thái sử, nêu lên nghĩa lớn của vua tôi.
Chép tội giết vua để răn bảo triều đình, không tự tay giết mà xem như đã giết.
Tha kẻ cầm giáo mà trách kẻ cùng nhà, vì thực ra Chính Khanh có ý.
Nêu tên Di Cao để làm sáng tỏ điều ác, cho mọi người thấy đức của nhà vua không tốt.
Bút vừa hạ, hai tội đã rõ ràng, quả phù hợp với ý nghĩa sâu xa của kinh Xuân thu.
Khi ngọn bút vừa dầm xuống mực, quỷ thần kinh mà lánh bóng xa.
Đẩy mấy lần cửa mà mở then ván ra, ghi tội lớn chẳng hề kiêng nể.
Cứu kỷ cương vương đạo đã suy đồi, dựng lại phép tắc nhà vua đã nghiêng đổ.
Dồn sức mạnh lên đầu ngọn bút, rủ lời răn sâu đến đời sau.
Lấy đó mà ngăn lòng tà của bọn tiểu nhân, đe cuồng chí của vua nối nghiệp.
Lấy đó mà thận trọng khi vừa dẫm sương mai, lo trước lớp băng dày sẽ tới.
Loạn thần nghe vậy thấy hồn bay, tặc tử nhìn vào e táng khí.
Ngẫm Sử Dật trước thường nghe tiếng, so Đổng Hồ sao khỏi thẹn thùng.
Đẹp đẽ thay Khổng Tử dựa theo trời, lo sử trước chép lời điên đảo.
Theo văn cũ mà sửa sang chép lại, chia gian ngay phải trái tỏ tường.
Cho rằng bút Đổng Hồ là thực, nên một lời cũng chẳng chép sai.
Khiến bọn nghịch loạn hàng ngàn năm nữa, nghe tiếng tâm vẫn phải e dè.
Nếu chẳng phải là gương sáng ở trong lòng, Xuân thu bút lực sao có thể làm như vậy được?
Thật đáng cho họ Tả chép vào làm bộ sử tốt của đời xưa, trải ngàn năm vẫn còn nguyên ý nghĩa.

Ôi! Thân ta cương trực, ngước theo tiên thánh gượng theo đòi.
Vỗ Lân kinh mà than thở, đem điều trung chính xe lại mà đeo.
Muốn lấy trời xanh làm giấy, núi Thái Hoa làm bút, ngõ hầu ghi chép điềm lành của thánh triều mà thôi.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.