(thương thảo với GS TS Kiều Thu Hoạch)

Vừa rồi, tình cờ tôi đọc được cuốn “Thơ nôm Hồ Xuân Hương” do GS TS Kiều Thu Hoạch biên khảo, nhà xuất bản Văn Học ấn hành cuối năm 2007. Sách dày 334 trang, in kèm chữ Nôm nhằm đảm bảo độ tin cậy.

Theo khảo luận của GS TS Kiều Thu Hoạch thì sách được hình thành từ 10 tài liệu Hán nôm với tình trạng văn bản như thế này:
1- Xuân Hương di cảo: Bản khắc ván. Tài liệu nằm trong sách quốc âm thi tuyển khắc ván in năm Duy Tân thứ 8 (tức năm 1914) có phụ in “Danh gia ca vịnh”, không ghi tàng bản và nhà xuất bản.
2-Xuân Hương thi tập: Bản khắc ván. Có phụ in “Danh gia ca vịnh” do Phúc Văn Đường khắc ván in năm Tân Dậu, tức năm Khải Định thứ 6, năm 1921.
3- Xuân Hương thi tập: Bản khắc ván. Có phụ in thơ của các tác gia khác, do Quan Văn Đường khắc ván in năm Khải Định thứ 7, năm 1922.
4- Quốc văn tùng thư: Bản chép tay. Do Hải Châu Tử Nguyễn Văn San biên soạn. Vừa chép thơ nôm Hồ Xuân Hương, vừa chép thơ nôm từ Lý, Trần đến Nguyễn sơ.
5- Xuân Hương thi sao phụ tạp sao: Bản chép tay. Ngoài thơ nôm Hồ Xuân Hương còn chép thơ của các tác gia khác nên gọi là tạp sao. Không có tên người sao chép.
6- Tạp thảo tập: Bản chép tay. Do Ngọc Đình cư sĩ Nguyễn Trạch Phủ biên tập năm 1919 thời Khải Định, Tạp thảo này có chép thơ nôm Hồ Xuân Hương.
7- Quế Sơn tam nguyên thi tập: Bản chép tay. Chép thơ của Nguyễn Khuyến đồng thời chép thơ nôm Hồ Xuân Hương, đề rõ là “Xuân Hương thi tập” và chép cả thơ của các tác gia khác. Không ghi tên người sao chép và thời gian sao chép.
8- Xuân Hương thi vịnh: Bản chép tay. Đây là một phần trong tập “Bách liêu thi văn tập”. Ngay trong phần này còn chép xen linh tinh thơ của người khác. Không có tên người sao chép, cũng không có năm tháng sao chép.
9- Liệt truyện thi ngâm: Bản chép tay. Chép thi, phú, văn tế, văn sách, ca, ngâm, vịnh…của nhiều tác gia. Phần thơ Hồ Xuân Hương mang tên “Xuân Hương tĩnh viện ngâm”, ngay trong phần này cũng có chép thơ của người khác và một số bài lạ. Không có tên người sao chép, không có năm tháng sao chép.
10- Lĩnh Nam quần hiền văn thi diễn âm tập: Bản chép tay. Bao gồm thi, ca, phú, văn sách của nhiều tác gia từ thời Lê đến đầu nhà Nguyễn. Cũng không có tên người sao chép và năm tháng sao chép. Riêng phần thơ nôm Hồ Xuân Hương cũng có một vài bài lạ như “Vịnh chơi hoa”, “Vịnh đấu kỳ”, “Vịnh ni sư”…Ngoài ra cũng chép lẫn một số thơ của người khác.

Gộp lại, có 3 bản khắc ván in và 7 bản chép tay. Rất tiếc tôi không có điều kiện tiếp xúc với các văn bản Hán Nôm này, nhưng cứ như trình bày của ông Kiều Thu Hoạch thì từ các nguồn tài liệu hình thành sách được tác giả khẳng định rằng là thơ nôm của Hồ Xuân Hương hình như chưa thể làm cho người đọc yên lòng vì chưa được lý giải về nguồn gốc, về mức độ tin cậy của nguồn tài liệu, nhất là tình trạng các văn bản chép tay. Xin cử một ví dụ: Bài “Trúc Bạch Hồ” tức “Hồ Trúc Bạch” được ông Kiều Thu Hoạch xác định là thơ của Hồ Xuân Hương in trong “thơ nôm Hồ Xuân Hương” bài số 2, trang 106, lấy nguồn từ bản chép tay: Bách liêu thi văn tập, số liệt kê trong khảo luận thuộc văn bản thứ 8, bài số 17, phần “Xuân Hương thi vịnh”, tài liệu nằm ở thư viện Hán Nôm, ký hiệu A533. Thơ rằng:
                       Một chiếc thuyền nan một mái chèo
                       Đáy hồ đứng lặng nước trong veo
                       Quanh co thành cỏ đường lai láng
                       Chen chúc nhà thôn vẻ gấm thêu
                       Ngũ Xã cầu dài đường khách thẳng
                       Châu Long thềm rộng mái chùa cao
                       Đồn rằng Trúc Bạch vui hơn trước
                       Nay mới hay rằng lắm thú yêu

Ở phần khảo dị ông Kiều Thu Hoạch có tham khảo bản “Âm ca tập” cũng chép bài này có khác vài chỗ như “thành cỏ” = “chòm cỏ”, “vui hơn trước” = “vui từ trước”.

Như vậy, so với bài “Hồ Trúc Bạch” trong sách “Văn đàn bảo giám” do ông Trần Trung Viên sao lục, Dương Bá Trạc đề tựa, Tản Đà đề tựa năm 1934, Trần Tuấn Khải duyệt lại, Nam Ký Hán - Việt văn biểu, Hư Chu hiệu chính 1968. Nhà Xuất Bản Mặc Lâm tái bản. Theo ông Trần Trung Viên thì bài “Hồ Trúc Bạch là thơ của quan Hiệp Đào (tức Hiệp Tá Đại Học Sĩ Đào Tấn, người Bình Định gọi tắt là cụ Hiệp Đào). Sách “Văn đàn bảo giám” quyển I chọn in thơ Đào Tấn hai bài: “Thuật Hoài” và “Hồ Trúc Bạch”, bài “Hồ Trúc Bạch” sách in như thế này:
                       Một chiếc thuyền nan một mái chèo
                       Đáy hồ lặng sóng nước trong veo
                       Quanh co thành cỏ đường lai láng
                       Chen chúc nhà thôn cảnh gấm thêu
                       Ngũ Xã kiều dài đường khách thẳng
                       Long Châu thềm rộng nóc chùa cao
                       Đồn rằng Trúc Bạch vui từ trước
                       Nay mới hay rằng lắm cảnh yêu

Đối chiếu với bài “Trúc Bạch Hồ” in trong “Thơ nôm Hồ Xuân Hương” của Kiều Thu Hoạch thì có mấy chỗ khác nhau

Trúc Bạch Hồ  (TNHXH)                                        Hồ Trúc Bạch (VĐBG)
Câu 2: đứng lặng                                                           lặng sóng
Câu 4: vẻ gấm thêu                                                        cảnh gấm thêu
Câu 5: cầu                                                                    kiều
Câu 6: Châu Long                                                          Long Châu
           mái chùa                                                           nóc chùa
Câu 7: hơn trước                                                           từ trước
Câu 8: lắm thú                                                               lắm cảnh
Với tôi, những chỗ khác nhau ở đây chẳng qua do “tam sao thất bản”, sao chép trong trạng thái nhớ nhớ quên quên mà thôi chứ hai bài ấy vốn là một. Chỉ một điều phân vân là không biết chùa Châu Long bây giờ có phải ngày trước gọi là Long Châu hay không? Vì sao có sự xê dịch này?

Cân nhắc các mặt tôi cho rằng bài “Hồ Trúc Bạch” là thơ Đào Tấn bởi mấy lẽ:

Một là, “Hồ Trúc Bạch” hay “Trúc Bạch Hồ” không phải là bài thơ hay mà giọng thơ mang tính nhật ký. Nhật ký của một lữ khách từ lâu chỉ nghe nói chứ chưa hề thấy, giờ đây mới thấy, mới biết, nên mới hạ hai câu cuối:
                       Đồn rằng Trúc Bạch vui từ trước
                       Nay mới hay rằng lắm cảnh yêu

Hồ Xuân Hương từng là bạn thơ với Phạm Đình Hổ, từng là vợ lẽ của ông Phủ Vĩnh Tường thì xa lạ gì Trúc Bạch Hồ của Thăng Long thành mà phải nghe “đồn”, mà “nay mới hay rằng lắm thú yêu” hay “lắm cảnh yêu”.

Hai là, hình như vào khoảng những năm 1899, 1900, tức thời Thành Thái thứ 11, hoặc 12, ở Hà Nội có mở cuộc đấu xảo lớn. Đào Tấn đang làm Tổng đốc An Tĩnh, lần đầu ông ra Hà Nội dự đấu xảo. Chuyến đi này được ông Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại, người Huế, đồng liêu với Đào Tấn, chép lại trong hồi ký của mình rằng: “Ông Mộng Mai (hiệu của Đào Tấn) bình sinh ưa hài văn, sau ông ra Tổng đốc Nghệ An,  ta ra Tuần Vũ Hà Tĩnh. Gặp lúc ở Hà Nội có mở cuộc đấu xảo lớn, ông bèn cùng ta ra Hà Nội. Đến ngày ta ra Nghệ An thì ông mời ta đi trước, Vài ngày sau ta tiếp được một phong thư trong đó có bài thi bằng quốc văn rằng:
                       Cha con rủ nhau đi Hà Nội
                       Bị gió ba ngày ở Cửa Hội
                       Gởi lời nói lại với anh Năm
                       Anh biết lội tôi không biết lội

Vì lúc ấy ông Bô Luật (Paul Doumer) làm Toàn quyền, mà ông Mộng Mai cùng ông Bô Luạt có biết nhau, cho nên lúc đó ở Hà Nội người ta nói rằng ông Mộng Mai sẽ về Kinh làm đại thần, ông không thích thế nên có bài thơ để cười chơi vậy”.
Tôi phán đoán rằng nếu bài “Hồ Trúc Bạch” là thơ của Đào Tấn thì ông viết vào dịp này, và cũng trong dịp này Đào công còn viết tiếp bài “Dạ yến tặng hữu”, ông trút hết nỗi niềm tâm sự của mình với các Tây Hồ xử sĩ:
                       Nhàn dẫn u hương tản nguyệt minh
                       La Phù tiểu lập ngộ kim sinh
                       Tây Hồ xử sĩ nhiêu phong thú
                       Liễu đắc giai nhân thế ngoại tình
Tạm dịch:                      Tiệc đêm tặng bạn
                       Theo chút hương thầm rảo dưới trăng
                       La Phù dừng bước nghĩ thương thân
                       Tây Hồ xử sĩ khách nhàn nhã
                       Có thấu tình em khác thế nhân?

Bài “Tiệc đêm tặng bạn” xứng đáng được gọi là thơ hay, tứ thơ rất kín, mỗi câu mỗi chữ chất chứa đầy ắp những “ý tại ngôn ngoại”, một kỷ niệm sâu sắc về chuyến đi Bắc hà của Đào công cách nay hơn một thế kỷ. Và qua đó chúng ta thấy sự ghi chép trong hồi ký của Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại vừa nói trên có cơ sở tin cậy.

Là người từng lăn lộn với cái nghề nhặt giấy lộn của người xưa, tôi rất thể tất với nỗi cực nhọc của ông Kiều Thu Hoạch trong việc xử lý tài liệu như trường hợp văn bản “Xuân Hương thi vịnh” nằm trong tập “Bách liêu thi văn tập”. Xử lý loại tài liệu như vườn không nhà trống, gốc rễ khó mò quả thật không đơn giản tí nào, nếu không cẩn thận, không tỉnh táo rất dễ mang cái vạ “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Vậy xin giới thiệu hiện tượng văn học này mong hải nội hải ngoại chư quân tử chỉ giáo.


Quy Nhơn ngày cuối cùng năm 2008
Vũ Ngọc Liễn

Nguồn: http://www.baobinhdinh.co...a-nghethuat/2009/1/70417/
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.