Đường nghĩa bấy nay trót vẽ vời,
Nước non sầu nặng luống đi về.
Cung Hoàng dịu vợi dường khôn lọt,
Đường Nguyệt mơ màng giấc hãy mê.
Đã chắc hương đâu cho lửa bén,
Lệ mà hoa lại quyến xuân đi.
Xanh vàng chẳng phụ lòng ân ái,
Tròn trặn gương tình cũng có khi.


Bài này trước ông Trần Thanh Mại và Đào Thái Tôn đều lầm tưởng của một người tên là Thạch Đình như Cư Đình, Thực Đình, người đương thời. Nhưng theo TS. Phạm Trọng Chánh, "Thạch Đình" có nghĩa là cái đình đá, nơi bến sông Vị Hoàng, Nam Định, vì đó là bến cảng lớn của ngày xưa, vì cạnh biển, mưa gió, bão táp nên đình được xây kiên cố bằng đá. Từ đây đi vào Nghệ Tĩnh, Phú Xuân tiện lợi nhanh chóng vì không leo núi đèo Tam Điệp hay truông nhà Hồ, phá Tam Giang. Làng Tiên Điền có Giang Đình là cái đình bên sông, một trong tám thắng cảnh Hồng Lĩnh. Hồ Xuân Hương tiễn Nguyễn Du năm 1794, tiễn Mai Sơn Phủ năm 1801 và đón quan chánh sứ Nguyễn Du năm 1813 nơi này.

Do chưa được thống nhất về tác giả, Thi Viện vẫn tạm xếp bài thơ này vào mục thơ Hồ Xuân Hương.

[Thông tin 2 nguồn tham khảo đã được ẩn]