Tôi đang trên boong tàu “Phriđrich Enghen”,
đầu óc tôi loạn lên những điều tà giáo,
những ý nghĩ lậu vé lấn chen nhau.
Tôi không hiểu, có phải tai nghe thấy
cái câu đầy bối rối và buồn đau:
“Đồng bào ơi, hãy nghe tôi nói nhé…”
Boong tàu oằn mình xuống, rỉ rên,
nó nhảy điệu Chanxton trong tiếng đàn ắc cóoc
từ mũi tàu, cất giọng cầu xin mỏng manh,
cố len lỏi chui ra đầy hoang dã
cái câu đầu chán ngắt của bài ca:
“Đồng bào ơi, hãy nghe tôi nói nhé…”

Ngồi trên tàu còn có anh lính thường.
Nghiêng mình thả lọn tóc xuống đàn ghi ta gỗ,
các ngón tay hỗn loạn múa may.
Anh đang gảy đàn và lòng anh hiện rõ,
đôi môi đau khổ cất lời:
“Đồng bào ơi, hãy nghe tôi nói nhé…”

Đồng bào không buồn nghe.
Họ chỉ muốn được nốc rượu và chén đã,
muốn nhảy thôi, mọi chuyện khác chẳng thèm nghe!
Mà nói thật, họ chỉ mong được ngủ.
Vậy mà anh ta rên rỉ không thôi:
“Đồng bào ơi, hãy nghe tôi nói nhé…”

Người đang muối cà chua thật ngon lành,
kẻ dây bẩn những quân bài đầy dầu mỡ,
người mài gót giày trên mặt sàn,
kẻ xé túi đựng rượu, đứng bên đàn ắc cooc.
Đã bao lần, lúc thì gào lên,
và thẽ thọt nhắc lại câu thứ nhất:
“Đồng bào ơi, hãy nghe tôi nói đây…”

Có người đôi khi chẳng buồn nghe.
Vừa giãn xương sườn vừa đau đớn
mà không nói được điều cốt yếu bật ra.
Còn lúc này, tâm hồn bên trong đã khép kín,
chẳng ai buồn nghe câu nói lạ xa:
“Đồng bào ơi, hãy nghe tôi nói nhé…”

Ôi anh lính đang ngồi trên đống thùng,
giống anh lắm, chỉ có điều tôi không có đàn ghi ta gỗ…
Vượt qua sông, núi và biển hồ
tôi lê bước và đôi tay dang rộng
giọng đặc khàn, lặp lại đúng một câu:
“Đồng bào ơi, hãy nghe tôi nói nhé…”

Đáng sợ thay, nếu mọi người không muốn nghe.
Thật là sợ, nếu mọi người bắt đầu nghe đấy.
Cả bài ca chợt nghe thấy cạn nông,
cả bài hát bỗng trở thành trống rỗng,
trừ câu đầu, nghe thấm máu, đau lòng:
“Đồng bào ơi, hãy nghe tôi nói nhé…”