Trang trong tổng số 7 trang (69 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Đừng để chống tham nhũng như đánh vào không khí

Hiện tượng quan chức ở một nước thoải mái khoe của trước đồng bào thường đồng nghĩa với sự yếu kém của hệ thống bảo đảm liêm chính công của nước đó. Hệ thống này, như có thể thấy, có hai chỗ dựa chính: sức mạnh của dư luận xã hội và sự hữu hiệu của bộ máy bảo đảm thực thi pháp luật, vận hành một nền luật pháp chặt chẽ. Thực ra, dùng dư luận xã hội để chống tham nhũng chỉ là biện pháp phụ trợ: dư luận có thể giám sát, phê phán, nhưng, suy cho cùng, đâu có quyền hạn gì trong việc trừng phạt về thân thể, tài sản đối với người này, người nọ. Muốn chống tham nhũng có hiệu quả, điều cần thiết số một là phải có một bộ quy tắc ứng xử pháp lý liên quan có chất lượng và bộ máy phòng chống tham nhũng phải thực sự mạnh.

Có người nói vui rằng chúng ta đang chống tham nhũng bằng cách đánh vào không khí, bởi với bộ tiêu chí nhận dạng tham nhũng về mặt pháp lý như hiện có, cũng như với cơ chế phòng chống tham nhũng đang vận hành, đố ai biết được tham nhũng là gì cũng như dám đĩnh đạc, mạnh dạn chỉ ra tham nhũng là ai, đang ở đâu.


Long Giang
Trích bài đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Dân chủ ở đâu?

Xin hãy nhớ một điều, người đặt hàng cho các nhà sản xuất luật chính là nhân dân. Nhân dân bỏ tiền (thuế) để trả lương cho các vị, do đó nhân dân có quyền đòi hỏi quý vị phải làm ra một sản phẩm luật đạt chất lượng cao, trong sáng về mặt hình thức, khoa học về mặt nội dung. Nếu làm không được điều đó thì dân có quyền không nghiệm thu. Dân phản biện thì phải biết lắng nghe, không ai có quyền bỏ ngoài tai và soạn luật theo ý chí áp đặt của một nhóm người. Nếu cứ khăng khăng quyết định mà không tôn trọng ý kiến của dân là không tôn trọng tinh thần dân chủ. Dân chủ là chỗ này đây chứ không ở đâu xa vời.

Lê Chân Nhân
Trích bài đăng trên Dân Trí
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

.
Có thời nào trong suốt lịch sử dân tộc mà giá trị bất biến của phẩm chất danh dự thanh liêm lại bị xúc phạm cho bằng lúc này.

Giao Cảm (SGTT 6.6.2012)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Làm thế nào để sống bình an bên cạnh người nhiều cố chấp và thị phi?

Đây là câu hỏi rất thú vị. Ở đâu cũng có người mình thương và người làm mình khó chịu, nếu không nói là thường gây bất an cho mình. Trong trường hợp phải đối diện với người lắm cố chấp và thị phi như thế, bạn không cần nói mà chỉ cần lắng nghe với tất cả sự bình thản, bao dung và cố gắng đừng đáp lại bằng bất kỳ một phản ứng nào. Hãy quán niệm và thực tập hạnh của lá sen. Nước chảy lên lá liền trôi đi một cách nhẹ nhàng. Bạn thực tập lắng nghe với tâm không phản kháng, sẵn lòng nghe tất cả giọng điệu, như nghe một đĩa nhạc có nhiều bài hát khác nhau, dịu dàng và không dịu dàng, vui và buồn, trầm và bổng .v.v.

Tập lắng nghe với tâm không phản kháng lâu ngày bạn sẽ làm cho tâm mình trở nên bình thản như mặt đất, có thể chấp nhận bất kỳ bàn chân hay sự chà đạp nào mà lòng vẫn an nhiên, tự tại.


Khải Thiên
Cẩm nang của người Phật tử
NXB Phương Đông, 2011, trang 117


Tác giả Khải Thiên Thích Tâm Thiện sinh năm 1970. Thọ giới Tỳ Kheo năm 1990. Tốt nghiệp tiến sỹ chuyên ngành tôn giáo học tại University of West, California, USA, 2008. Sáng lập Tu viện Cát Trắng (White Sands Buddhist Center, Florida, 2005) và Tu viện Cát Sơn (Good Mountain Monastery, California, 2010).
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Sám hối có được tiêu nghiệp không?

Khi bạn chí thành sám hối những lỗi lầm của mình theo đúng cách, bạn có thể chuyển hóa nghiệp lực của mình qua hai lĩnh vực: không tạo thêm các nghiệp xấu ác và vun trồng các công đức lành. Còn những gì bạn đã gieo trồng trong quá khứ, khi đến thời dị thục (chín muồi) nó vẫn trổ quả. Tuy nhiên, với tâm an tịnh, điều chế và xả ly (tâm thức giải thoát) thì tác dụng của quả, dù khổ hay lạc, không còn đủ sức mạnh để chi phối cuộc sống an tịnh của bạn nữa. Cho đến khi nào tâm của bạn đã thực thụ trong sạch như băng tuyết, tội lỗi đã không còn, ý niệm về ăn năn cũng không còn, lúc ấy bạn đã siêu việt mọi đối đãi tương quan trong dòng sinh tử; với một tâm thức như thế vấn đề nhân quả và nghiệp báo không còn được bàn đến ở đây nữa.

Khải Thiên
Cẩm nang của người Phật tử
NXB Phương Đông, 2011, trang 65


Tác giả Khải Thiên Thích Tâm Thiện sinh năm 1970. Thọ giới Tỳ Kheo năm 1990. Tốt nghiệp tiến sỹ chuyên ngành tôn giáo học tại University of West, California, USA, 2008. Sáng lập Tu viện Cát Trắng (White Sands Buddhist Center, Florida, 2005) và Tu viện Cát Sơn (Good Mountain Monastery, California, 2010).
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Giả dối và cái ác

Theo quan điểm của đạo Phật, rất khó để có những lời nói dối không gây hại cho ai, nên nói dối dù ở mức độ nào vẫn phải dẫn đến "quả báo" mất mát niềm tin. Nói dối có nhiều cấp độ nặng nhẹ khác nhau, nhưng giả dối thì được huấn tập vào trong tính cách, đến một lúc lấn lướt và trở thành cái đối lập với sự chân thật, công lý.

Làm sao có thể xây dựng được một quốc gia hùng mạnh, trong sạch khi người ta luôn sợ hãi trước sự thật, tìm mọi cách để ngăn che sự thật.

Có nhiều tình huống người ta phải nói dối, nhưng đó không phải là sự giả dối. Giả dối có cấp độ cao hơn nhiều nói dối, vì ở đó ý thức đã bị cái ác chế ngự hoàn toàn.

Trong vế tâm lý "ghét nên xấu", người ta dễ dàng nuôi dưỡng ý định gây tổn hại cho đối phương. Thậm chí, chỉ cần nghe đối phương gặp khó khăn thì họ cũng coi đó là cơ hội để vui sướng, ăn mừng. Ngay cả việc dùng công cụ bạo lực để hại người cũng được xem như một thứ niềm vui. Đôi lúc người ta còn tranh luận: "Tôi chỉ mới có ý định giết người thôi, còn đã có ai chết đâu mà tôi bị coi là phạm tội giết người".

Theo quan điểm của đạo Phật, mọi hành động được dẫn dắt bởi ý thức sẽ quyết định nghiệp mà họ phải trả. Trong trường hợp này, dù người kia chưa giết người thì tội giết người cũng đã thành lập, vì ý thức trung tâm đã bị cái ác kiểm soát. Đạo Phật gọi đó là tự tác, giáo tha tác, kiến tác tuỳ hỷ (tự tay mình giết, bảo người khác giết, thấy người khác giết mà vui theo).

Dù ở tình huống phải giết một để người cứu vạn người thì vẫn phải chịu qủa báo giết người, không gì có thể bù lấp được cho hành vi cố sát. Vì giết cái ác trong một con người chỉ là giết một vế của con người, còn đang tâm giết cả con người là giết luôn cái thiện, không cho người khác cơ hội để sống và sửa chữa.

Khi ý thức thù nghịch phân tuyến và trở thành định kiến trong ứng xử xã hội thì sẽ tạo ra một môi trường giáo dục ít khoan dung và hoà giải. Một khi lòng từ bi không phải là sức mạnh thì càng sử dụng bạo lực, càng cho thấy sự sợ hãi. Phản ứng của sự sợ hãi chính ngăn che sự thật, khiến người ta không thấy được hành vi gây tổn hại, nhất là khi ý thức đã bị sự hiềm thù, đối đầu kiểm soát.


Thái Nam Thắng
Trích bài đăng trên Tuần VietNamNet
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Chu trình khép kín

Tham nhũng luôn gắn liền với sự thiếu minh bạch trong giải quyết các thủ tục hành chính, thiếu minh bạch về thông tin, thiếu minh bạch về trách nhiệm, thiếu minh bạch về quy hoạch, thiếu minh bạch về giá trị, thiếu minh bạch về pháp luật. Có thể thấy một chu trình khép kín ở Việt Nam đó là: (1) nghèo đói và dân trí thấp tạo ra tham nhũng; (2) tham nhũng cần có môi trường thiếu minh bạch trong quản lý đất đai; (3) thiếu minh bạch trong quản lý đất đai tạo ra tình trạng đất đai và bất động sản không được pháp luật công nhận và bảo vệ; (4) đất đai và bất động sản không được pháp luật công nhận và bảo vệ tạo ra thiếu vốn để đầu tư phát triển; (5) thiếu vốn để đầu tư phát triển lại tạo ra nghèo đói và dân trí thấp.

SGTT
Trích bài đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Đội yếu và người nghèo

Những đội yếu hơn đã thắng vì cầu thủ của họ không chơi theo kiểu cá nhân ích kỷ, mà biết hỗ trợ nhau, tạo điều kiện cho nhau, thậm chí biết hy sinh vì nhau, cũng là vì chiến thắng của đội mình. Tự nhiên, tôi lại từ đó nghĩ sang một chuyện khác.

Những gia đình nghèo, những người nghèo muốn thoát nghèo cũng nên học cách của những đội bóng yếu khi chơi với những đội bóng mạnh. Đã nghèo thì ít vốn, vì thế không thể tung tiền chơi “đôi công” trong bất cứ công việc gì, mà nên chắt chiu, dè sẻn. Nhưng lại luôn phải biết nắm bắt cơ hội, vì chỉ tằn tiện không thôi thì cũng rất khó thoát nghèo. Muốn thoát nghèo phải làm việc có hiệu quả, mà muốn làm việc có hiệu quả lại cần tự mình suy nghĩ và nhờ sự hỗ trợ giúp sức của bà con làng xóm. Chứ nếu chỉ đơn thương thì rất khó thoát nghèo. Nếu những người đánh cá trên biển đã biết dựa vào nhau, kết mấy thuyền thành một nhóm hỗ trợ nhau trên biển, thì những người nông dân trên đồng ruộng cũng cần có sự gắn kết hỗ trợ nhau.

Nhiều người nghèo ở ta hay tự ti, hay tiêu cực khi nghĩ về thân phận mình, về khả năng thoát nghèo của mình. Giống như đội bóng yếu hơn khi bóng chưa lăn đã nghĩ tới thua. Thế thì làm sao thắng nổi đối thủ mạnh hơn? Đã nghèo, thì dễ nảy sinh tư tưởng ỷ lại. Giống như trong một đội bóng yếu, cầu thủ này ỷ lại cầu thủ khác, dồn gánh nặng phòng ngự, gánh nặng ghi bàn cho một vài cầu thủ. Đã ỷ lại còn hay tị nạnh nhau nữa, thì làm sao nội bộ đoàn kết, làm sao chiến thắng. Và, trong cuộc sống, thì làm sao thoát nghèo?

Xem đá bóng, nhiều khi từ đó cũng nghĩ ra một vài điều. Bóng đá và cuộc sống có những nét tương đồng. Và những ứng xử trong bóng đá nhiều khi rất giống những ứng xử trong cuộc sống.


Thanh Thảo
Trích bài đăng trên Thanh Niên
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Tự hào và tự trọng

Người vô danh tiểu tốt đạo của người danh tiếng còn hiểu được, nhưng thật khó hiểu khi người có danh, có quyền lại đạo của người vô danh. Chuyện đạo chích, đạo tặc, đạo văn đáng lẽ phải ngày càng ít đi, nhất là khi đã có luật, nhưng không hiểu tại sao càng ngày càng tràn ngập trong mọi lĩnh vực, từ chốn thâm nghiêm như môi trường đại học cho đến những nơi bình thường nhất. Khi lòng tự trọng, liêm sỉ, lương tri không còn nữa, cái gì người ta cũng dám làm. Luật pháp lúc đó cũng chịu thua thôi. Tôi nghĩ lỗi lớn nhất nằm ở giáo dục. Chúng ta rất giỏi giáo dục lòng tự hào, nhưng lại rất dở giáo dục lòng tự trọng. Nước mình anh hùng nhất? Chiến đấu giỏi nhất? Chúng ta đang theo đuổi những cái phù phiếm mà quên đi giá trị căn bản, tự mình vỗ ngực khoe khoang hơn người. Lòng tự trọng cá nhân và tự trọng cộng đồng phải được coi là một giá trị phổ quát, trọng tâm, để mỗi con người biết xin lỗi, biết nhận trách nhiệm, biết tự khinh mình trước khi người khác khinh mình, biết mình bất tài vô dụng để luôn học hỏi thêm. Tự trọng để không cần phải tự hào phô trương, không chạy theo thành tích. Tự trọng, để biết tôi không hơn thiên hạ, nhưng không làm bẩn tôi, không làm lệch tôi. Xây chùa lớn nhất để làm gì, xây trường đại học cả trăm tầng, lớn nhất Đông Nam Á để làm gì khi chúng ta chỉ sản xuất ra quá nhiều con người tự hào, mà quá ít những con người tự trọng. Tự trọng, để biết mình là mình, để mỗi người phải làm việc cho tốt, mới có thể đưa đất nước tiến lên.

Nhà văn Nhật Chiêu
Trích bài đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Tuấn Khỉ đã viết:
Chu trình khép kín

Tham nhũng luôn gắn liền với sự thiếu minh bạch trong giải quyết các thủ tục hành chính, thiếu minh bạch về thông tin, thiếu minh bạch về trách nhiệm, thiếu minh bạch về quy hoạch, thiếu minh bạch về giá trị, thiếu minh bạch về pháp luật. Có thể thấy một chu trình khép kín ở Việt Nam đó là: (1) nghèo đói và dân trí thấp tạo ra tham nhũng; (2) tham nhũng cần có môi trường thiếu minh bạch trong quản lý đất đai; (3) thiếu minh bạch trong quản lý đất đai tạo ra tình trạng đất đai và bất động sản không được pháp luật công nhận và bảo vệ; (4) đất đai và bất động sản không được pháp luật công nhận và bảo vệ tạo ra thiếu vốn để đầu tư phát triển; (5) thiếu vốn để đầu tư phát triển lại tạo ra nghèo đói và dân trí thấp.

SGTT
Trích bài đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị
Cố tình không minh bạch là điều tối cần thiết cho tham nhũng trên mọi lĩnh vực, không riêng gì khâu đất đai. Nghèo đói và dân trí thấp do nhiều yếu tố tạo thành, đâu riêng vì thiếu vốn.
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 7 trang (69 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ... ›Trang sau »Trang cuối