Như cái tên giản dị, dễ thương Vẽ quê hương, bài thơ vừa kể, vừa tả đầy đủ quy trình của việc tô vẽ: từ cầm cây bút chì trên tay, gọt bút, thử bút, thử màu; vẽ hết những cảnh vật có màu xanh đến việc quay đầu bút đỏ để vẽ những sự vật màu đỏ; và rồi đến lúc hoàn thành bức vẽ, em bé vui thích reo lên: “Chị ơi bức tranh – Quê ta đẹp quá!”

Bài thơ được làm theo thể thơ bốn chữ dễ đọc, dễ nhớ, dễ thuộc, lời thơ nhẹ nhàng, trong sáng, hồn nhiên. Cả bài thơ hầu hết là hình ảnh tả thực nên cảnh hiện lên rất chân thực, sống động, tươi màu thắm sắc. Khổ đầu giới thiệu việc em bé chuẩn bị cho bức vẽ. Biện pháp điệp ngữ, lặp cấu trúc câu ở câu thơ thứ hai và thứ ba cho chúng ta hình dung ra dáng vẻ vui thích, say mê của em bé. Khổ đầu có bốn câu thơ, câu 1 như thu lại trong chiếc bút nhỏ xinh “Bút chì xanh đỏ”, sau khi em gọt bút rồi, mới tách ra, rõ ra hai màu: “xanh tươi, đỏ thắm”. Nhưng màu sắc chỉ thật sự sinh động, gợi cảm xúc khi nó gắn liền với những cảnh, những sự vật cụ thể. Và tất nhiên, đó là những sự vật rất quen thuộc, thân thiết đối với em bé.

Khổ thơ thứ ba tả màu xanh: này là tre xanh, lúa xanh; này là dòng sông xanh mát, bầu trời xanh bát ngát, xanh ngăn ngắt; này là ước mơ xanh của tâm hồn thơ trẻ… Vừa đưa từng nét vẽ một cách chăm chú, bé vừa nhẩm ra, chỉ ra cảnh trời mây non nước của quê hương. Ngày trước, trẻ em chỉ có một chiếc bút chì màu hai đầu, một đầu xanh, một đầu đỏ chứ không như bây giờ, các em có đủ 18 màu, 24 màu trong một hộp mà tha hồ chọn lựa. Nên có lẽ với hai màu chì, một xanh, một đỏ nhưng em vẫn tưởng tượng ra đủ sắc điệu xanh đỏ, hiện ra thật sống động trong tâm trí, trong những cảm xúc trong ngần về cảnh sắc quê hương.

Với mạch cảm xúc ấy, tác giả mô tả lại từng nét vẽ của em bé bằng đầu bút chì màu đỏ trong khổ thơ thứ 3. Đó là màu đỏ tươi của ngói mới, màu đỏ thắm của ngôi trường, màu đỏ rực, chói ngời của hoa gạo tháng ba, mặt trời đỏ chót và cuối cùng là màu đỏ rực rỡ và sống động nhất, nổi bật nhất của lá cờ Tổ quốc. Tiếng reo “A, nắng lên rồi” như kèm theo một nét vẽ điền ngay lập tức vào bức tranh, cảnh thiên nhiên đẹp không thể thiếu ánh nắng của ông mặt trời. Hai câu thơ cuối khổ ba “Lá cờ Tổ quốc, Bay giữa trời xanh” là một nét vẽ hài hoà, lá cờ đỏ nổi bật trên nền trời xanh. Kết cấu của bài thơ rất rõ ràng, rành mạch dựa trên hai gam màu chủ đạo: xanh đỏ – xanh tươi, đỏ thắm. Và cuối cùng, bài thơ dẫn chúng ta tới bức tranh toàn cảnh quê hương đẹp trong tiếng reo vui, hớn hở, hồn nhiên của em bé.

Có biết bao bài thơ, bài hát về tình yêu quê hương đất nước nhưng những bài thơ viết cho thiếu niên nhi đồng luôn có một nét riêng rất độc đáo, đó là tình yêu quê hương luôn được soi chiếu qua đôi mắt trong veo và tâm hồn ngây thơ, đáng yêu của trẻ con. Bài thơ Vẽ quê hương là một trong số những bài thơ như vậy, bài thơ đẹp đẽ, hài hoà, cân đối; từ vần điệu, giọng điệu đến câu chữ đều ánh lên tình yêu tha thiết với gia đình, làng xóm, quê hương, đất nước.

tửu tận tình do tại